Kế hoạch mong manh của Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua sông Danube

Thu Hằng |

Việc Nga đình chỉ Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen buộc Ukraine phải đẩy mạnh vận chuyển nông sản của mình qua những tuyến đường thay thế khác.

Kế hoạch mong manh của Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua sông Danube - Ảnh 1.

Tàu chở hàng trên kênh Sulina chuẩn bị vào sông Danube ở Romania. Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Le Monde (Pháp), các cảng được xây dựng dọc theo con sông nổi tiếng của châu Âu cho phép vận chuyển một số loại ngũ cốc và lúa mì của Ukraine mà không chịu sự kiểm soát của Nga.

Việc Moskva từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen không gây ngạc nhiên cho người Ukraine. Ở Budjak, thuộc Bessarabia ở phía tây nam Ukraine, một khu vực không giáp biển giữa Moldova, Romania và Biển Đen, người dân đã quen với việc chứng kiến ​​hàng chục nghìn xe tải chở ngô, lúa mì và dầu hướng dương đi qua kể từ khi bắt đầu xung đột vào tháng 2/2022.

Trong nhiều tháng, Izmail, một thị trấn cảng nhỏ bên bờ sông Danube, đã trở thành trung tâm xuất khẩu thay thế cho các cảng lớn ở Biển Đen. Các lô hàng ngũ cốc đến đây bằng xe tải, được chất lên sà lan xuôi dòng sông đến cảng Constanta của Romania, sau đó chúng được chuyển lên một con tàu lớn.

“Izmail từng được biết đến như một ngõ cụt", một người bán pho mát trong chợ của thị trấn cho biết. "Bây giờ, tất cả hoạt động kinh doanh ngũ cốc này đã mở ra thế giới ra trước chúng tôi".

Bị đẩy vào trung tâm cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, những người bán phô mai Bulgary và Moldova đã giương "radar" địa chính trị của riêng họ. Một người lo lắng: "Các con đường ở Izmail đầy ổ gà do xe tải đến và đi liên tục hướng đến các kho ngũ cốc của thị trấn. Nếu có quá nhiều xe tải ở đây, điều đó có nghĩa là không có cách nào khác để xuất khẩu lúa mì. Và đó không phải là một dấu hiệu tốt".

Mặc dù họ hy vọng sẽ chứng kiến việc mở lại hoàn toàn các cảng ở Biển Đen, nơi hầu hết ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển trước xung đột, nhưng ngày càng có nhiều nhà sản xuất và thương nhân chuyển sang các cảng nhỏ trên sông Danube dọc biên giới Romania. Một phần của vụ thu hoạch hiện có thể chảy qua kênh này mà không chịu rủi ro về sự kiểm soát của Nga mà các tàu phải tuân theo thỏa thuận ngũ cốc.

Kế hoạch mong manh của Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua sông Danube - Ảnh 2.

Hai con tàu đi vào Kênh đào Sulina, một trong những cửa ngõ của sông Danube đổ vào Biển Đen, tại Sulina, phía đông nam Romania, ngày 8/6/2022. Ảnh: AFP

Một trong những người đầu tiên nắm bắt được giá trị của tuyến vận chuyển đường sông là Oleksiy Vadatursky, người sáng lập tập đoàn ngũ cốc hàng đầu của Ukraine, Nibulon, có trụ sở tại Mykolaiv, nơi xuất khẩu 30% ngũ cốc của Ukraine. Vào tháng 5/2022, khi thành phố đang bị bắn phá và nhà ga ngũ cốc ở đây bị phong tỏa, ông Vadatursky đã đến Izmail để khởi động việc xây dựng một nhà ga thay thế. Nó sẽ không bao giờ có thể bù đắp cho năng lực khổng lồ của các cảng Biển Đen, nhưng đó là một nỗ lực để tránh bị hủy hoại bởi cuộc xung đột. Chưa kể Ukraine cũng là đối thủ cạnh tranh lớn của ngành nông nghiệp Nga.

Các quan chức giao thông Ukraine cho biết khối lượng xuất khẩu của Ukraine có thể cao hơn nếu kênh đào Bystre trên sông Danube được đào sâu hơn. Tháng trước, một quan chức cấp cao Ukraine cho biết Kiev muốn bắt đầu công việc đào sâu kênh sớm nhất là trong năm nay.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết ông đã nói với người đồng cấp Romania rằng hai nước có thể tăng gấp ba lần quá cảnh nông sản "thông qua việc phát triển các điểm qua biên giới, bến phà và cảng biển và sông".

Tuy nhiên một đợt nắng nóng lan rộng khắp khu vực phía nam của châu Âu đang làm hạ thấp mực nước sông Danube, khiến việc vận chuyển ngũ cốc trở nên khó khăn hơn.

Các tuyến đường bộ cũng bị thách thức bởi thực tế là các quốc gia Đông Âu đang tiếp tục từ chối dòng chảy từ Ukraine để bảo vệ sinh kế của nông dân địa phương.

Khối lượng ngũ cốc được vận chuyển dọc theo sông Danube đã tăng từ khoảng 1,4 triệu tấn lên 2 triệu tấn mỗi tháng trong năm qua. Vào tháng 5 và tháng 6, những chuyến hàng đó thậm chí đã vượt qua hành lang Biển Đen, vốn bị ảnh hưởng bởi hoạt động kiểm soát.

Từ sông Danube, ngũ cốc có thể được vận chuyển trực tiếp đến những người mua gần đó hoặc vận chuyển đến các trung tâm như Constanta ở Romania, nơi ngũ cốc được chất lên những con tàu lớn hơn cho những chuyến đi dài hơn. Tuy nhiên, một khó khăn là do các tàu lớn hơn không thể di chuyển trên sông.

Kế hoạch mong manh của Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua sông Danube - Ảnh 3.

Thu hoạch lúa mì ở Ukraine. Ảnh: Getty Images

Tại Romania, mực nước sông Danube thấp hơn gần 40% so với mức trung bình trong tháng 7 do nhiệt độ cao, theo cơ quan quản lý nước của Romania. Mực nước vẫn ở trên mức thấp nhất trong hai thập kỷ đạt được vào năm ngoái, nhưng có thể giảm hơn nữa vào tuần tới.

Andrei Balasoiu, nhà môi giới ngũ cốc có trụ sở tại Constanta, cho biết: “Vấn đề là mực nước ở sông Danube đang ngày càng thấp đi do hạn hán, vì vậy bạn không thể chất đầy lúa mì lên sà lan”.

Các tuyến đường sắt và đường bộ cũng sẽ là trọng điểm. Mặc dù các quốc gia Đông Âu đang tiếp tục phản đối việc mua ngũ cốc của Ukraine, nhưng họ vẫn cho phép nông sản trung chuyển qua biên giới để giao hàng. Mặc dù vậy, khối lượng ngũ cốc vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ đã giảm kể từ tháng 3, khi căng thẳng chính trị bắt đầu nóng lên.

Thương nhân đã và đang sử dụng các tuyến đường thay thế. Ông Sergey Feofilov, người đứng đầu công ty phân tích UkrAgroConsult, cho biết câu hỏi bây giờ là họ sẽ là lựa chọn duy nhất trong bao lâu và liệu một thỏa thuận Biển Đen mới có thể đạt được hay không.

Nga đã nói rằng họ sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận nếu các điều kiện của họ được đáp ứng. Trong nhiều tháng, họ đã yêu cầu một trong các ngân hàng nông nghiệp của mình được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời đưa ra các yêu cầu bổ sung về hậu cần và bảo hiểm.

Ukraine cho biết họ có kế hoạch tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua các tuyến đường thay thế, mặc dù điều đó có thể mất thời gian. Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của đất nước đã ước tính rằng chỉ riêng sông Danube có thể xử lý 23 triệu đến 25 triệu tấn thực phẩm xuất khẩu trong năm nay, khoảng một nửa lượng xuất khẩu ngũ cốc hàng năm của đất nước trước xung đột.

Sông ngòi và đường sá vốn đã là huyết mạch kinh tế, và giờ đây chúng còn có ảnh hưởng lớn hơn đối với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu và sẽ là chìa khóa giúp giảm chi phí lương thực đang gia tăng. Roman Slaston, người đứng đầu Câu lạc bộ Kinh doanh Nông nghiệp Ukraine, cho biết, các tuyến đường vận chuyển thay thế Biển Đen “có lẽ sẽ không đủ, nhưng sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại