Một hệ thống lựu pháo HIMARS trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: AP)
Lầu Năm Góc đang điều tra xem ai đứng sau sự cố rò rỉ, khiến tài liệu mật bị đưa lên Twitter và Telegram.
Các chuyên gia quân sự cho biết, tài liệu có vẻ đã bị sửa một số chỗ so với bản gốc, nói quá lên về đánh giá của Mỹ đối với thương vong của quân đội Ukraine và hạ thấp thương vong của Nga. Tài liệu này chứa các biểu đồ cung cấp vũ khí dự kiến, sức mạnh quân đội và các kế hoạch.
Các nhà phân tích cho rằng việc rò rỉ văn bản cho thấy đây là vụ vi phạm nghiêm trọng trong bảo mật thông tin tình báo của Mỹ khi hỗ trợ Ukraine.
Các quan chức Mỹ đang cố gắng gỡ hết tài liệu khỏi mạng xã hội, nhưng vẫn chưa thành công.
"Chúng tôi đã nắm được các báo cáo về thông tin bị đưa lên mạng xã hội và chúng tôi đang xem lại vấn đề", Sabrina Singh, phó phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.
Trong tài liệu không nêu chi tiết kế hoạch chiến trường, như thời điểm và vị trí Ukraine sẽ triển khai chiến dịch phản công. Và vì tài liệu đã có từ cách đây 5 tuần, nên những thông tin về nhu cầu của quân đội Ukraine để thực hiện chiến dịch phản công đã không còn tính thời sự nữa.
Tuy nhiên, trong con mắt chuyên nghiệp của các nhà hoạch định chiến tranh, chỉ huy chiến trường hoặc chuyên gia phân tích tình báo, số tài liệu này chứa nhiều manh mối đáng giá. Ví dụ, tài liệu nói đến tỷ lệ sử dụng lựu pháo HIMARS khi tấn công các mục tiêu như kho đạn, hạ tầng và khu vực tập trung binh lính. Lầu Năm Góc chưa công bố tỷ lệ sử dụng đạn pháo HIMARS của quân đội Ukraine, nhưng tài liệu này nêu chi tiết.
Chưa biết vì sao số tài liệu này xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng theo các nhà phân tích, tài liệu này cung cấp cho Nga nhiều thông tin giá trị như thời gian biểu vận chuyển vũ khí và binh lính, số lượng binh lính Ukraine tập trung và các thông tin cụ thể khác.
Tài liệu dán nhãn "Tuyệt mật" mang tựa đề "Tình trạng xung đột tính đến ngày 1/3". Hôm đó, các quan chức Ukraine đến một căn cứ Mỹ ở Weisbaden, Đức, để họp về cuộc xung đột. Một ngày sau, tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, và tướng Christopher Cavoli - Tư lệnh lực lượng đồng minh tại châu Âu, cũng dự cuộc họp.
Một tài liệu khác có nhiều cột liệt kê các đơn vị quân đội, trang thiết bị và việc huấn luyện của quân đội Ukraine, thời gian dự kiến từ tháng 1 đến tháng 4.
Tài liệu cũng có thông tin tóm tắt về 12 lữ đoàn đang được tập hợp, trong đó 9 lữ đoàn đang được Mỹ và đồng minh NATO huấn luyện và cung cấp vũ khí. Các tài liệu cho biết, 6 trong 9 lữ đoàn đó sẽ sẵn sàng từ thời điểm 31/3, còn lại từ 30/4. Các nhà phân tích cho biết mỗi lữ đoàn của Ukraine gồm từ 4.000 – 5.000 binh lính.
Tài liệu nhận định thời gian chuyển giao vũ khí sẽ ảnh hưởng đến việc huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu để đáp ứng kịp thời hạn. Tổng số phương tiện cần thiết cho 9 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng và hơn 350 xe bọc thép, tài liệu cho biết.
Đây được đánh giá là bước đột phá tình báo đầu tiên mà Nga công khai từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong suốt hơn 1 năm xung đột, Mỹ cung cấp cho Ukraine nhiều thông tin về các đồn chỉ huy, kho vũ khí và những trọng điểm khác trong các tuyến quân sự của Nga. Những thông tin theo thời gian thực đó giúp Ukraine tấn công chính xác hơn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các quan chức Ukraine không muốn chia sẻ kế hoạch chiến trường với Mỹ vì sợ lộ, các quan chức Mỹ và châu Âu tiết lộ. Mãi đến mùa hè năm ngoái, các quan chức tình báo Mỹ vẫn nói rằng họ biết về các kế hoạch quân sự của Nga nhiều hơn của Ukraine.