"Kế hoạch chiến thắng” bị lạnh nhạt, chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky gây căng thẳng với ông Trump

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tờ Politico dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng viết rằng Tổng thống Joe Biden và các cố vấn của ông không tin tưởng vào "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường. Cuộc phản công của Ukraine không mang lại kết quả đáng kể. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Nga đang ở thể tấn công và giành được quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở phía Đông.

Nhiều nước phương Tây đang tính cắt giảm hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine và kêu gọi một giải pháp ngoại giao. Chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định.

Trong chuyến công du Mỹ và tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 ngày 21-22/9 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã giới thiệu bản "kế hoạch chiến thắng" nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Washington.

Bối cảnh Tổng thống Zelensky đưa ra “Kế hoạch chiến thắng” 

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài hai năm rưỡi vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Rất nhiều điều đã thay đổi trên mặt trận cũng như trong đời sống chính trị của Mỹ và phương Tây.


Trên chiến trường Ukraine gặp nhiều khó khăn, thiếu vũ khí, đạn dược. Nga giành thế chủ động, chiếm được nhiều khu vực và tiếp tục các cuộc tấn công ở Donbass. Nga đã chính thức tuyên bố, chỉ riêng trong tháng 8 và đầu tháng 9/2024, quân đội Nga đã chiếm thêm gần 1.000 km2 lãnh thổ Ukraine. Ukraine đang đang mất dần lãnh thổ.

Lực lượng vũ trang Ukraine mở chiến dịch quân sự vào Kursk vào đầu tháng 8/2024 là một hành động bất ngờ. Một tháng rưỡi đã trôi qua, theo Kiev, tính đến ngày 20/9/2024, quân đội Ukraine, đã kiểm soát khoảng 1.200 km2 lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, quân đội Nga đã bắt đầu siết chặt vòng vây và đang cố gắng đánh bật lực lượng Ukraine.

 - Ảnh 1.

Tổng thống Zelensky thăm Mỹ nhằm trình bày "kế hoạch chiến thắng". Ảnh: VP Báo chí Tổng thống Ukraine

Các nước phương Tây bắt đầu tỏ ra mệt mỏi trong việc ủng hộ Ukraine. Nội bộ phương Tây cũng như nội bộ Mỹ đang chia rẽ xung quanh việc cung cấp tên lửa tầm xa để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Tại thủ đô Washington đang diễn ra tranh cãi nóng về dỡ bỏ hạn chế đối với cách thức Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để đánh vào bên trong lãnh thổ Nga.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Mỹ cũng đang bước vào giai đoạn cuối cùng giữa ứng cử viên của đang Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump có lập trường khác biệt nhau đối với cuộc xung đột Ukraine. Ông Trump khuyên Tổng thống Zelenskiy nên nhượng bộ lãnh thổ với Nga để đổi lấy hòa bình và tuyên bố nếu thắng cử sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

Trong bối cảnh như vậy, mục đích của việc Tổng thống Ukraine đưa ra một sáng kiến mới gọi là “Kế hoạch chiến thắng” tại Mỹ là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây về quân sự và tài chính.

Nội dung “Kế hoạch chiến thắng” của Zelensky

Đến nay, nội dung cụ thể của kế hoạch này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một số chi tiết đã bi rò rỉ ra ngoài cho giới truyền thông.

Tổng thống Zelenskiy lần đầu tiên nói về kế hoạch này tại một cuộc họp báo nhân Ngày Độc lập của Ukraine cuối tháng 8/2024. Ông nói: “Đối với chúng ta, chiến thắng là phải thật mạnh mẽ và sẵn sàng ngoại giao mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao tôi đã chuẩn bị một số điểm - bốn trong số đó là cơ bản và một điểm mà chúng ta sẽ cần sau chiến tranh”.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak cho biết “kế hoạch chiến thắng” bao gồm 4 điểm: hỗ trợ quân sự cho Ukraine, các bước đi kinh tế, áp lực ngoại giao và ép buộc chính trị chống lại Nga.

Kế hoạch này cũng bao gồm danh sách chi tiết các loại vũ khí và thiết bị quân sự cần thiết để Ukraine đánh bại Nga, cũng như cho phép tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa. Không phải ngẫu nhiên ngay sau khi đến Mỹ, ông Zelensky đã đến thăm một nhà máy sản xuất đạn dược.

Theo ông Podolyak, bản chất của giải pháp “ép buộc chính trị chống lại Nga” là Ukraine có quyền độc lập trong việc lựa chọn vai trò của mình trong nền chính trị toàn cầu và có quyền trở thành thành viên của bất kỳ liên minh nào mà không cần quan tâm đến “yêu cầu của bất kỳ nước thứ ba nào”. Điều này có nghĩa là Ukraine có quyền quyết định gia nhập NATO trong tương lai.

Về kinh tế, Ukraine đề nghị tăng cường đầu tư vào sản xuất vũ khí trên lãnh thổ Ukraine, giám sát các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Kế hoạch này kêu gọi cung cấp các khoản đầu tư của phương Tây vào việc mở rộng sản xuất máy bay không người lái và tên lửa ở Ukraine. Đồng thời, Ukraine yêu cầu đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm làm suy yếu khả năng tiếp tục chiến tranh của Nga.

Về ngoại giao, Kiev sẽ thúc giục các nước trung lập thuộc Nam bán cầu nơi Nga phụ thuộc nhiều về thương mại gây áp lực tối đa lên Moscow.

Ông Zelensky nói, nội dung chủ đạo của kế hoạch này là “vũ khí để bảo vệ nền độc lập và người dân Ukraine. Ngoại giao để củng cố đối tác và buộc Nga phải chấp nhận hòa bình. Công lý để Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này và hậu quả của nó.”

Kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky

Mục đích chính chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky là vận động Washington cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga và tìm kiếm thêm sự hỗ trợ về quân sự và tài chính.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, nhìn chung chuyến đi không thành công và không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Rõ ràng, chuyến thăm đã thất bại. Bởi vì những ý tưởng mà Zelensky đưa ra là không toàn diện, chủ yếu bao gồm việc yêu cầu Mỹ và phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí và tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột.

Báo Wall Street Journal (WSJ) viết: “Kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky không gây ấn tượng với chính quyền Tổng thống Biden, bởi vì nó thiếu một chiến lược toàn diện để chấm dứt xung đột, không có gì mới và đây chỉ là một yêu cầu được nhắc lại về việc cung cấp thêm vũ khí và cho phép các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ của Nga.

 - Ảnh 2.

Tờ Politico dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cũng viết rằng Tổng thống Biden và các cố vấn của ông không tin tưởng vào "kế hoạch chiến thắng" của Zelensky. Sau các cuộc đàm phán, chính quyền J. Biden đã tuyên bố không thay đổi lập trường và không dỡ bỏ lệnh cấm Kiev sử dụng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Các quan chức Mỹ và châu Âu không coi kế hoạch này là một sự đột phá và không thể thực hiện được, vì nó không đưa ra được con đường chiến thắng rõ ràng cho Ukraine.

Còn ở Ukraine, trả lời phỏng vấn mạng truyền thông Alexander Shelest ngày 28/9, ông Oleg Soskin, cựu cố vấn dưới thời Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma nói, kết quả chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky có thể coi là một thất bại hoàn toàn, đặc biệt trong quan hệ với đảng Cộng hòa, với ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và những người khác.

Việc đạt được gói hỗ trợ mới là kết quả được mong đợi nhất của chuyến thăm. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD cho Ukraine, gồm 5,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine trước năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2024 và 2,4 tỷ USD nằm trong khuôn khổ chương trình “Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine”, cho phép chính quyền Mỹ mua vũ khí cho Ukraine từ các công ty tư nhân, thay vì lấy từ kho vũ khí của Mỹ.

Thực chất, đây là một phần trong số 61 tỷ USD sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài đã được quyết định phân bổ cho Ukraine vào tháng 4/2024, lấy từ nguồn dự trữ nội bộ của Mỹ. Số tiền này vẫn chưa được sử dụng hết, tức là đến nay vũ khí chưa được chuyển giao, vì Lầu Năm Góc lo ngại rằng việc giảm nhanh chóng kho vũ khí dự trữ của mình sẽ làm giảm khả năng phòng thủ của Mỹ. Mặt khác, quá trình giao một khối lượng lớn vũ khí như thế này không thể nhanh được mà cần một thời gian dài.

Nghị sĩ Quốc hội Ukraine Alexander Dubinsky viết trên kênh Telegram của mình cho rằng chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky rõ ràng thất bại, không đạt được kết quả mong đợi. Ông nói: “8 tỷ USD mà Zelensky mang về từ Mỹ thực chất là số tiền đã được Quốc hội Mỹ phân bổ từ tháng 4/2024 vẫn chưa thực hiện, bây giờ số tiền này được chuyển sang năm tài chính mới... và sẽ tiếp tục nằm đấy cho đến khi vũ khí mới được sản xuất có trong kho hoặc các nhà thầu của Lầu Năm Góc”.

Kết quả thứ hai của chuyến thăm là “Tuyên bố chung về hỗ trợ tái thiết Ukraine”, được thông qua tại New York trong cuộc họp của định dạng G7 + Ukraine. Nội dung chính của tuyên bố này là hỗ trợ kinh tế cho Ukraine, cụ thể là cung cấp tài chính bổ sung với số tiền khoảng 50 tỷ USD vào cuối năm nay bằng cách lấy từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc đều suôn sẻ. Một số quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) gồm có Đức, Pháp và Italia không đồng ý với đề xuất của Ủy ban Châu Âu về việc cung cấp cho Ukraine khoản vay 35 tỷ USD sẽ được hoàn trả bằng tài sản bị đóng băng của Nga.

Trong khi đó, ngày 25/9, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều chỉnh học thuyết răn đe hạt nhân của Nga để ngăn ngừa các mối đe doạ. Trong số những điều kiện mới này là việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia không có vũ khí hạt nhân nếu điều đó đe dọa đến an ninh của Nga. Điều này có nghĩa là nếu Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây, kể cả trong trường hợp sử dụng vũ khí thông thường thì Ukraine và quốc gia cung cấp vũ khí đó sẽ trở thành mục tiêu đáp trả hạt nhân từ Nga.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc tranh luận về việc liệu phương Tây có cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vũ khí tầm xa chống lại Nga hay không.

Căng thẳng với cựu Tổng thống Donald Trump

Ngay sau khi đặt chân lên đất Mỹ, Tổng thống Zelensky đã đến thăm nhà máy sản xuất đạn pháo 155mm ở thành phố Scranton thuộc bang Pennsylvania. Đi theo phái đoàn Ukraine chỉ có các đảng viên đảng Dân chủ do thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro - một chính khách thuộc "vòng" của Phó tổng thống Kamala Harris - dẫn đầu. Không có thành viên nào của đảng Cộng hoà.

 - Ảnh 3.

Tổng thống Zelensky đi thăm một nhà máy sản xuất vũ khí cùng Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro. Ảnh: UPI

Pennsylvania là một trong những bang chiến trường quan trọng, nơi sự ủng hộ của cử tri gần như được phân bổ đều giữa các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong cuộc vận động tranh cử và chính tại bang này cuộc chiến bầu cử đang diễn ra khốc liệt.

Việc ông Zelensky đến thăm bang này không có thành viên nào của đảng Cộng hòa đi cùng được coi là sự ủng hộ đối với ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ. Đây là lý do tại sao đảng Cộng hòa phản ứng dữ dội trước việc Tổng thống Ukraine cùng với các chính trị gia đảng Dân chủ đế thăm Pennsylvania.

Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn với báo The New Yorker, ông Zelensky còn chỉ trích đề xuất “phi quân sự hóa” Ukraine, “đổi đất lấy hòa bình”và không chấp nhận Kiev gia nhập NATO của cựu Tổng thống Trump, đồng thời ông gọi ứng cử viên Phó tổng thống JD Vance là “quá cực đoan”.

Cựu Tổng thống Trump tỏ ra rất bất bình về chuyến thăm Pennsylvania của Zelensky và cáo buộc ông can thiệp vào bầu cử ở Mỹ. Ông Trump mô tả Tổng thống Zelensky “là người bán hàng giỏi nhất thế giới”, mỗi lần ông đến Mỹ cũng mang về cho Ukraine 60 tỷ USD.

Ông Trump nói: “Chúng tôi không thể tiếp tục cung cấp hàng tỷ USD cho một người từ chối đạt được thỏa thuận hòa bình”.

Ông Trump từng tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt mọi viện trợ cho Ukraine và điều này sẽ ngay lập tức kết thúc chiến tranh kéo dài suốt 2 năm rưỡi nay. Ông nói, ông có thể soạn thảo một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ nếu ông đắc cử, nhưng Kiev lo ngại rằng một thỏa thuận như vậy sẽ bao gồm việc họ sẽ phải từ bỏ các vùng đất bị Nga chiếm đóng.

Cuộc xung đột Ukraine đã bước sang năm thứ ba chứng tỏ không thể giải quyết được bằng quân sự. Đàm phán là biện pháp duy nhất có thể chấm dứt đổ máu, đem lại hòa bình cho Ukraine và Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại