Theo đó, KCNA cho rằng âm mưu ám sát này “cho thấy bản chất thực sự của Hoa Kỳ, đó là khủng bố đội lốt thiên thần”.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho Sputnik hay: “Tôi không biết gì về thông tin mà Bình Nhưỡng đưa ra”.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều điểm đáng nghi trong cáo buộc của KCNA bởi điệp viên Mỹ trước đây đã từng có cơ hội để ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cụ thể là khi ông tham gia giám sát bệ phóng tên lửa đạn đạo hôm 4/7 vừa qua trong khoảng thời gian hơn một tiếng. Tại thời điểm đó, tình báo Mỹ cho rằng “Hoa Kỳ có thể dễ dàng bắn hạ ông Kim nhưng đã không làm như vậy”.
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington muốn “ông Kim Jong Un hiểu được vấn đề chứ không phải là quỳ gối”.
Cố vấn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Stratfor, Rodger Baker cho Business Insider biết, thông tin “Mỹ từng có cơ hội để ám sát ông Kim nhưng không thực hiện” được công khai là một điều khá bất thường. Lý do mà ông Baker đưa ra là điều đó cho thấy Hoa Kỳ thực sự không có hứng thú với việc ám sát ông Kim.
“Với việc tiết lộ thông tin trên, Mỹ và các đồng minh có thể muốn truyền đạt một thông điệp rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên “không nên tiếp tục chương trình tên lửa”, nhưng “nếu chương trình này vẫn được phát triển thì Mỹ sẽ tấn công ông Kim và cả kho tên lửa của Bình Nhưỡng”, chuyên gia Baker nhận định.
Mặt khác, một quan chức Hàn Quốc hôm 9/10 tiết lộ các tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp thành công một vài tài liệu chiến tranh tuyệt mật liên quan đến khả năng xung đột với Bình Nhưỡng, bao gồm cả kế hoạch ám sát ông Kim Jong Un. Thông tin này đã bị lấy cắp từ năm 2016 và “Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn chưa tìm được vết tích của 182 gigabytes nội dung dữ liệu bị đánh cắp”.
Thêm vào đó, quân đội Hàn Quốc mới đây thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm với tên gọi “Spartan 3000” với mục đích là khiến cho “ông Kim Jong Un phải run sợ lo cho tính mạng của mình”, theo tiết lộ của một vị tướng Hàn Quốc.