Những căn nhà bị phá hủy trong xung đột tại Druzhkivka, miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn được đài NHK của Nhật Bản phát sóng ngày 25/12, Ngoại trưởng Tileuberdi nêu rõ: “Nga và Ukraine là 2 quốc gia có quan hệ hữu nghị mang tính lịch sử với Kazakhstan. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev thường xuyên trao đổi với lãnh đạo hai nước, hối thúc các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay”.
Đề cập đến các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt đối với Nga, ông Tileuberdi khẳng định Astana không tham gia các biện pháp này, nhưng cam kết tuân thủ nguyên tắc không để nền kinh tế đất nước bị các doanh nghiệp lợi dụng để né tránh các lệnh trừng phạt. Ông cho biết thêm Astana và Moskva có quan hệ kinh tế chặt chẽ, do đó nền kinh tế Kazakhstan cũng chịu những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Ngoại trưởng Tileuberdi nhấn mạnh Kazakhstan thực hiện chính sách ngoại giao đa phương và cân bằng, xây dựng quan hệ với Nga, Trung Quốc, các quốc gia láng giềng ở Trung Á, cũng như Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Nhật Bản.
Ngoại trưởng Tileuberdi vừa tham dự Hội nghị Đối thoại cấp bộ trưởng Trung Á-Nhật Bản lần thứ 9, nơi ông gặp gỡ những người đồng cấp Nhật Bản, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các bộ trưởng đã tổ chức những cuộc thảo luận về truyền thông, vận tải, an ninh khu vực, biến đổi khí hậu và số hóa, cùng nhiều chủ đề khác. Đại diện của các quốc gia Trung Á tham dự hội nghị đã bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ đối tác với Nhật Bản, đề cập đến những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, y tế, nông nghiệp và giáo dục.
Kazakhstan sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của cơ chế đối thoại giữa Nhật Bản - Trung Á trong năm 2023 và đăng cai tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo trong khuôn khổ cơ chế này.