Ka-52 diệt 5 xe tăng thiết giáp trong 10 phút

Tiến Thành |

Với tên lửa dẫn đường Vikhr, trực thăng tấn công Ka-52 Nga đã gây bất ngờ khi diệt tới 5 xe tăng thiết giáp đối phương trong vòng 10 phút.

Ka-52 diệt 5 xe tăng thiết giáp trong 10 phút - Ảnh 1.

Phi công Nga cùng quả tên lửa Vikhr.

Thành tích gây ngạc nhiên của Ka-52 được hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời phi công có biệt danh Samara tiết lộ.

"Chúng tôi vừa kết thúc ca trực đêm và dự định về doanh trại nghỉ ngơi, nhưng nhận được mệnh lệnh từ bộ chỉ huy cấp cao.

Tin tình báo cho thấy lực lượng Ukraine đang mở mũi tiến công bằng xe tăng và thiết giáp nhằm vào làng Rabotino trên hướng Orekhov. Tất cả mọi người đều chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu", phi công Samara kể.

Nhận lệnh cất cánh, phi đội trực thăng Nga bám theo các điểm mốc được định sẵn để tới khu vực tập kết và chờ lệnh tấn công. Chiếc Ka-52 của Samara được trang bị 6 tên lửa chống tăng dẫn đường Vikhr có tầm bắn tối đa 10-12 km và tốc độ Mach 1,8.

Tên lửa Vikhr là vũ khí chủ lực của dòng Ka-52, được sử dụng triệt để nhằm đối phó với các loại tăng thiết giáp được bảo vệ tốt nhất. Khi phát hiện đội hình Ukraine cơ động về hướng nam, lực lượng Nga đã tổng hợp tọa độ và khoanh vùng cho từng biên đội trực thăng quần thảo.

"Đội bay chúng tôi nhận thông tin và bắt đầu tấn công mục tiêu, chiếc Ka-52 tôi điều khiển đã phóng tổng cộng 5 tên lửa trong vòng 10 phút. Cả 5 quả đạn đã phá hủy 5 mục tiêu, gồm một xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, hai xe chiến đấu bộ binh Bradley, một xe kháng mìn MaxxPro và một xe thiết giáp Kirpi", Samara kể lại.

Phi công Nga tiết lộ thêm rằng, mỗi biên đội tác chiến trong chiến dịch quân sự đặc biệt thường có ba trực thăng khác nhau. Chủ lực là Ka-52 trang bị hệ thống cảm biến hiện đại và tên lửa tầm xa, chuyên tập kích đoàn xe cơ giới Ukraine.

Cùng với đó là một trực thăng vũ trang Mi-28 thực hiện nhiệm vụ yểm trợ trong lúc chiếc Ka-52 dẫn đường cho tên lửa tấn công. Cùng với đó trực thăng đa dụng Mi-8 quần thảo gần đó để cứu hộ phi công nếu họ bị bắn rơi hoặc hạ cánh khẩn cấp.

Cùng thời điểm phi công Samara nói về chiến công đặc biệt của Ka-52, chuyên gia quân sự Mỹ Peter Suchiu, đã nói về sức mạnh đáng sợ của dòng trực thăng tấn công hàng đầu này của Nga trên chiến trường.

"Ka-52 Alligator đã tự khẳng định mình là một siêu săn mồi. Để làm được điều đó, Ka-52 được thiết kế tối tân chuyên thực hiện các cuộc tấn công tấn công, trinh sát và bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng", chuyên gia Mỹ viết.

Khi tấn công, trực thăng có thể mang vài tấn tên lửa và đạn pháo, ngoài ra còn được trang bị pháo tự động 30 mm. Ông suchiu cũng cho biết thêm, một số phiên bản Ka-52 được trang bị camera hồng ngoại hướng về phía trước gắn ở mũi để xác định mục tiêu.

"Các phi công Nga đang điều chỉnh các kỹ năng săn mồi của họ và Ka-52 Alligator đã chứng minh là kẻ săn mồi thực sự đáng sợ trên chiến trường", chuyên gia Peter Suchiu nói.

Cùng với khả năng tấn công và trinh sát ấn tượng, vị chuyên gia Mỹ cũng chỉ ra nguyên nhân khiến Ka-52 rất ít khi bị tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hỏi thăm khi tác chiến.

"Một Ka-52 của lực lượng Nga vừa đồng thời bị tấn công bởi 18 quả tên lửa MANPADS nhưng vẫn quay về căn cứ an toàn. Đây quả thật là một kỷ lục hết sức vi diệu.

Nhưng điều này xảy ra không hề nhờ vào phép màu nào. Bởi trên thực tế, các kỹ sư Nga đã trang bị cho dòng trực thăng này hệ thống Vitebsk-25", Peter Suchiu cho biết.

Hệ thống này sử dụng laser để đối phó với tên lửa đất đối không (có tên lửa vác vai) và không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại tăng cường.

Cùng với việc ngăn chặn hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại, Vitebsk-25 có khả năng phát hiện và gây nhiễu các loại radar kết hợp việc tạo ra tín hiệu giả làm mồi nhử để gây nhầm lẫn cho hệ thống radar đối phương.

Nhờ đó, Vitebsk-25 phát hiện, theo dõi và đưa ra các biện pháp đối phó nhanh chóng để loại bỏ các tên lửa đang hướng tới hệ thống.

Tổ hợp Vitebsk-25 sử dụng kết hợp các cảm biến và máy thu gồm: máy thu tín hiệu cảnh báo radar, máy thu tín hiệu cảnh báo laser và cảm biến cảnh báo tiếp cận tên lửa, để phát hiện và định vị các mối đe dọa tiềm tàng, phát đi cảnh báo tới phi công và triển khai các biện pháp đối phó.

Phi công có thể thực hiện các biện pháp phòng thủ thụ động như phóng mồi bẫy kim loại và bẫy nhiệt, nhưng hệ thống Vitebsk-25 trên thực tế đã kích hoạt biện pháp phòng thủ tích cực khi trực tiếp can thiệp vào các hệ thống dẫn đường tầm nhiệt của tên lửa phòng không thông qua bức xạ hồng ngoại và gây nhiễu mạnh lên các đầu đạn dẫn đường radar.

Dưới những tác động gây nhiễu và tạo mồi bẫy điện tử của Vitebsk-25, các tên lửa phòng không sẽ tìm đến các mục tiêu giả do nó chỉ thị.

Clip Ka-52 phóng Vikhr diệt xe thiết giáp Ukraine cách xa hơn 8km

Đặc biệt, ưu điểm vượt trội của Vitebsk-25 còn ở khả năng hoạt động hoàn toàn tự động, cho phép trực thăng phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa trên chiến trường mà không cần thông tin đầu vào từ phi công.

"Tính năng tự động và độc lập này giúp hệ thống vũ khí, khí tài hoạt động hiệu quả cao trong các tình huống tác chiến trên thực địa khi các quyết định mang tính sống còn cần được đưa ra chỉ trong thời gian rất ngắn", chuyên gia Mỹ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại