Vì sao Đức bỏ "xe tăng"?
"Cỗ xe tăng" là biệt danh gọi đội tuyển Đức do truyền thông Việt Nam gọi. Thực tình, dân Việt mình gọi Mannschaft là "Cỗ xe tăng" cũng chẳng sai. Đội tuyển Đức có truyền thống, họ là "ông kẹ" của bóng đá châu Âu và thế giới nhưng lối chơi của họ lỳ lợm, chắc chắn, xấu xí, thực dụng, máy móc.
Tới World Cup 2006 thời Juergen Klinsmann, ĐT Đức bỗng thay đổi hoàn toàn: họ chơi thứ bóng đá quyến rũ, sexy chứ không còn là "xe tăng" nữa.
Sau hai cuộc thế chiến, cái ác cảm về một dân tộc Đức "máy móc", lỳ lợm, hiếu chiến, không đẹp chưa hẳn đã hết với phần lại của thế giới. Mà bóng đá là cuộc đời, nó cũng phản ánh xã hội.
Kiến trúc sư trong lối chơi của Mannschaft từ thời Klinsmann là… phó tướng Joachim Loew
Nghe đâu Angela Merkel muốn thông qua World Cup 2006, qua Mannschaft để thay đổi cái nhìn của thế giới về con người Đức. "Bà đầm thép" muốn một Mannschaft sexy hơn, cống hiến hơn, đẹp hơn…
Và Mannschaft đi theo hướng đó. Thay đổi nhưng vẫn thành công, vì trình độ của họ ở một đẳng cấp quá cao.
Nhưng theo giới truyền thông Đức, kiến trúc sư trong lối chơi của Mannschaft từ thời Klinsi là… phó tướng Joachim Loew. Đó cũng là lý do DFB chọn Loew thay Klinsmann sau VCK World Cup 2006. Từ thời điểm đó, Loew càng có cơ hội và thực quyền để tạo ra cuộc cách mạng mới.
Học thầy Thụy Sĩ, chế tạo Tourbilon
Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Ai dạy Loew tạo ra sự thay đổi lớn trong bóng đá Đức mà vẫn ngày càng gặt hái thành công? Dĩ nhiên khi cần đổi mới, người Đức không thể học người Đức. Joachim Loew sang Thụy Sĩ tìm thầy bái sư.
Thụy Sĩ là quốc gia nhỏ ở châu Âu, dân số chỉ vào khoảng 8 triệu dân. Nhưng họ từng dự World Cup từ năm 1934 và từng 3 lần lọt vào tới tứ kết.
Vài thập niên trở lại đây, Thụy Sĩ liên tục góp mặt ở sân chơi EURO cũng như World Cup, nhờ hệ thống đào tạo trẻ khá tốt. Năm 2002, U17 Thụy Sĩ vô địch EURO, tới năm 2009, U.19 Thụy Sĩ vô địch World Cup.
Ngoài chiếc đồng hồ IWC Schaffhausen phiên bản Big Pilot’s Watch Edition DFB của người Thụy Sĩ, bóng đá Thụy Sĩ là thứ khiến Joachim Loew mê mẩn.
Joachim Loew thì chẳng lạ gì nền bóng đá ở quốc gia vốn nổi tiếng về nhà băng và đồng hồ. Bởi trong giai đoạn cuối của sự nghiệp thi đấu (1992-1995), ông đầu quân cho các đội bóng Thụy Sĩ.
Tháng 11/1993, Joachim Loew từng cùng CLB Winterthur (Thụy Sĩ) tới Việt Nam du đấu với tuyển T.P HCM, Hải Quan và Cần Thơ. Trưởng đoàn Winterthur đến Việt Nam năm đó là ông Nguyễn Văn Lam - Đại diện Bóng đá Việt Nam bên cạnh FIFA (Representative of Vietnam Football Federation next to FIFA).
Ông Lam sống tại Winterthur nên kết thân với Joachim Loew từ đầu những năm 1990 khi Loew gia nhập đội bóng Thụy Sĩ, và được ông đưa tới Việt Nam.
Ông Lam cho biết: "Sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, ông Loew học HLV ở Thụy Sĩ, chứ không phải Đức, từ bằng C, bằng B, bằng A cho tới Instructor và UEFA. Từ khi ông Loew làm thì Đức mới thay đổi lối đá. Ông Loew mới là người làm nên cuộc cách mạng ở ĐT Đức, chứ không phải ông Klinsmann".
Ông Nguyễn Văn Lam - Đại diện Bóng đá Việt Nam bên cạnh FIFA (Representative of Vietnam Football Federation next to FIFA) trao đổi cùng tác giả. Ảnh: Quế Nam
Tại sao lại là Thụy Sĩ? Ông Lam lý giải: "Người Thụy Sĩ học theo mô hình đào tạo trẻ của Ajax, rất hiệu quả và hiện đại. Từ những đội bóng hạng Ba, Thụy Sĩ đều có trung tâm đào tạo trẻ, đồng thời xây dựng lối đá đồng bộ, khoa học để phục vụ cho ĐTQG. Loew thích và ấn tượng với cách làm bóng đá của người Thụy Sĩ".
Đội ngũ trợ lý trong BHL hiện tại của Loew toàn là dân Đức. Nhưng riêng đội ngũ scout - các chuyên gia phát hiện tài năng trẻ thì ông Loew chỉ tin dùng người Thụy Sĩ. Thời Klismann, theo yêu cầu của Loew, đội ngũ scout của Mannschaft đã là người Thụy Sĩ, do tay "săn đầu người" Urs Siegenthaler đảm nhiệm.
Đức chơi ngày càng hay. Họ chơi thứ bóng đá khoa học như "máy đá bóng" mà vẫn rất con người, rất lôi cuốn. Thứ khoa học, máy móc đó không còn là "Cỗ xe tăng", mà nó được nâng tầm lên thành Tourbillon - cỗ máy của nghệ thuật chính xác, tinh xảo đến từng chi tiết trong chiếc IWC mà Joachim Loew vẫn thường đeo trên tay.
Gà chấm muối tiêu chanh kiểu Việt - khoái khẩu của Loew
Là người bạn lâu năm của Joachim Loew ở Thụy Sĩ, ông Nguyễn Văn Lam không chỉ hiểu về sự nghiệp của Loew, con đường dẫn đến thành công của Loew mà còn hiểu được sở thích của nhà cầm quân người Đức, trong đó có thói quen ăn uống.
Ông Nguyễn Văn Lam có một nhà hàng tại Winterthur. Thời còn thi đấu cũng như học bằng HLV tại Thụy Sĩ, Loew thường xuyên ghé vào nhà hàng của ông bạn từng đưa mình tới Việt Nam năm 1993.
Trong các món ăn tại nhà hàng của ông Lam, Loew thường gọi món gà sốt chanh - món ăn rất phổ biến ở các nước châu Âu. Món này "các mẹ bỉm sữa" ở Việt Nam ngày nay cũng đã học làm nhiều, đó là gà lọc hết xương, sốt với nước cốt chanh, muối, đường, bột bắp…
Là dân Thụy Sĩ nhưng gốc Việt, ngoài những món ăn Tây, món Việt dĩ nhiên không mất đi trong gia đình ông Lam, trong đó có món truyền thống nhất là… gà luộc chấm muối tiêu chanh.
Món ăn không thể thiếu được trong các dịp lễ Tết của người Việt là món yêu thích của HLV Joachim Loew.
Ông Lam kể, một lần Loew đến nhà hàng, ông mời Loew món gà luộc chấm muối tiêu chanh. Không lọc xương gì cả, gà luộc vừa chín vàng ngộm, xối qua nước lạnh, để nguội. Rồi chế muối, tiêu, đường, chanh, thêm vài lá chanh xắt nhỏ.
Joachim Loew ban đầu e ngại, nhưng sau khi ăn thử mới thấy vị lạ và ngon. Từ ấy, mỗi khi ghé qua nhà hàng ông Lam, kiểu gì ông Loew cũng phải xơi tái hai cái đùi gà vàng ngộm, chấm muối tiêu chanh.
Ông Lam kể: "Bà Daniela (vợ ông Loew) không thích món này và cũng không luộc được món gà, chế muối tiêu được đúng kiểu Việt Nam. Sau nhiều lần ăn, ông Loew thậm chí còn gọi tên món ăn được bằng tiếng Việt "Gà muối tiêu chanh" rất rõ".
Đó là Joachim Loew. Ông đeo đồng hồ Thụy Sĩ, học thầy Thụy Sĩ, dùng người Thụy Sĩ nhưng gà thì… Việt Nam.