Ít người tử vong hơn, virus SARS-CoV-2 đang ‘đuối sức’?

Thùy Dương |

Nước Anh trải qua dịch COVID-19 gần ba tháng với số ca lây nhiễm và tử vong đang giảm đều. Một số nhà khoa học cho rằng dòng virus Corona này có thể đang bị các mầm bệnh khác làm suy yếu, tức là kẻ xâm nhập chết chóc này đã phát triển thành “vị khách” sống hòa bình trong cơ thể con người.

Theo tờ Dailymail, bằng chứng ban đầu cho diễn biến tích cực này có thể tìm thấy ở miền Bắc Italy – khu vực chịu tác động mạnh nhất của đại dịch vài tuần trước trước nước Anh.

Ít người tử vong hơn, virus SARS-CoV-2 đang ‘đuối sức’? - Ảnh 1.

Biểu đồ số ca tử vong vì COVID-19 ở Anh. Ảnh: MailOnline

Cuối tháng 5, Giáo sư Matteo Bassetti, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện San Martino ở Genoa, nói: “Virus hiện giờ không còn mạnh như cách đây hai tháng. Phần lớn bệnh nhân trong tháng 3 và 4 mắc bệnh rất nặng, gặp hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc, suy đa tạng. Đa số chết trong những ngày đầu nhập viện. Giờ chúng ta không còn thấy những loại bệnh nhân này nữa. Đây có phải là vì virus mất bớt độc lực chăng?”

Quan sát của giáo sư Bassetti cũng có xu hướng giống phân tích về tỷ lệ tử vong của Giáo sư Lamberto Manzoli, nhà dịch tễ học Đại học Ferrara ở miền Bắc Italy.

Kết quả phân tích cho thấy từ tháng 3 đến tháng 4, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở mọi độ tuổi giảm hơn một nửa. Nghiên cứu của Giáo sư Manzoli chưa được xuất bản và chưa được bình duyệt.

Các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình đầu tìm hiểu về loại virus mới này nhưng các quan sát khác cũng phù hợp với giả thiết trên.

Ở Trung Quốc, có một số ổ dịch mới xuất hiện, trong đó có ổ dịch tại chợ bán buôn lớn nhất thủ đô là Tân Phát Địa. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm chưa lan rộng.

Ở Pháp, Tây Ban Nha và Italy, nơi buộc sống bình thường bắt đầu diễn ra cách đây khoảng 2 đến 3 tuần, cả số ca tử vong và lây nhiễm mới đều ở mức thấp.

Ít người tử vong hơn, virus SARS-CoV-2 đang ‘đuối sức’? - Ảnh 2.

Cuộc sống bình thường trở lại ở châu Âu nhưng số ca nhiễm và tử vong mới vẫn thấp. Ảnh: AFP

Ở Mỹ, xu hướng giảm ca tử vong cũng tương tự. Ông Lee Riley, Giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở Berkeley, nhận định với tạp chí khoa học Elemental rằng dữ liệu từ New York cho thấy số ca hồi phục tăng.

Ông nói: “Mỗi lần virus truyền từ người này sang người khác, nó trải qua quá trình biến đổi. Những biến đổi này có thể tích tụ và độc lực của virus cuối cùng có thể giảm đi. Bản chất của những virus này sẽ yếu đi sau một thời gian”.

Mặc dù thế giới phải hy vọng và cầu nguyện độc lực virus giảm dần, nhưng cũng có một số giải thích khác.

Thứ nhất, quá trình điều trị đã cải thiện đáng kể khi các bác sĩ đã có kinh nghiệm chữa cho bệnh nhân COVID-19, từ đó giảm ca tử vong. Trong thực tế, Giáo sư Manzoli thừa nhận rằng phác đồ lâm sàng giờ đã hiệu quả hơn. Những ngày đầu, các bác sĩ phải chờ tới khi tình trạng của bệnh nhân tệ đi mới cho họ dùng thuốc và máy thở. Giờ họ can thiệp sớm.

Thứ hai, đơn giản là virus đã lây nhiễm và giết hại những người dễ bị tổn thương nhất, dẫn tới về sau sẽ có nhiều bệnh nhân khỏe mạnh sống sót qua bệnh tật.

Các chuyên gia Anh cũng hồ nghi giải thiết virus yếu đi khi lý luận rằng gen của virus không thay đổi. Tiến sĩ Oscar MacLean, nhà tin sinh học tại Viện Truyền nhiễm, Miễn dịch và Viêm nhiễm thuộc Đại học Glasgow, nói: “Chúng ta không thấy bằng chứng virus giảm độc lực trên diện rộng. Quy tắc vàng là virus có xu hướng phát triển theo thời gian để trở nên ít độc hơn, nhưng điều đó không xảy ra trong vòng vài tháng mà phải mất hàng năm”.

Ít người tử vong hơn, virus SARS-CoV-2 đang ‘đuối sức’? - Ảnh 3.

Dù vậy, các nhà khoa học Anh vẫn hoài nghi về việc SARS-CoV-2 giảm độc lực. Ảnh: AFP

Thông thường, virus có thể phát triển tới điểm mà chúng thậm chí còn có ích cho vật chủ (người hoặc động vật), thiết lập mối quan hệ cộng sinh có lợi cho cả hai.

Tiến sĩ Frank Ryan, nhà sinh học tiến hóa người Anh, gọi quan hệ có lợi trên là “cộng sinh hiếu chiến”.

Ví dụ, virus herpes (gây bệnh mụn giộp) đã phát triển cộng sinh với loài khỉ sóc, truyền virus vô hại từ khỉ mẹ sang khỉ con. Nếu có một loài đối thủ như khỉ đuôi sóc xâm nhập lãnh thổ của khỉ sóc, virus này sẽ nhiễm vào kẻ xâm nhập và gây hậu quả nghiêm trọng với nó. Do vậy, vì lợi ích của chính khỉ sóc mà hệ miễn dịch không “thanh trừng” virus và coi nó là bạn hơn là kẻ xâm nhập.

Có lẽ loại “hệ miễn dịch giang hồ” này đã hỗ trợ loài dơi. Trong thực tế, một số nhà sinh thái học phỏng đoán liệu có phải COVID-19 là cơ chế phòng vệ của loài dơi trước loài người vì đã phá hủy nơi sinh tồn và ăn thịt chúng.

Liệu con người cuối cùng có thể phát triển mối quan hệ hai bên cùng có lợi với virus Corona hay không?

Chúng ta biết rằng gần 10% gen của con người có vật liệu gen từ các loại virus xâm nhập vào chúng ta trước đây và ADN virus “mượn” này có nhiệm vụ quan trọng, từ cho phép chúng ta tiêu hóa thức ăn cứng cho tới giúp chúng ta chống lây nhiễm bệnh.

Ngược lại, virus gây COVID-19 cũng có thể không bao giờ mang thứ gì hữu ích cho gen của con người. Tuy nhiên, với ba tháng vừa qua, cho dù chỉ có dấu hiệu nhỏ nhất cho thấy virus đang suy giảm, dù vì lý do gì, thì cũng là điều mà chúng ta cần xem xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại