Israel theo đuổi đến cùng chiến dịch tấn công Rafah và rạn nứt lớn với Mỹ

Ngọc Anh |

Ngày 9/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẵn sàng chiến đấu đến cùng và phớt lờ lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc nguồn cung vũ khí có thể sẽ bị gián đoạn trong chiến dịch tấn công vào Rafah. Trong khi đó, Mỹ đã hành động theo tối hậu thư và tạm dừng nguồn viện trợ vũ khí cho đồng minh của mình

Israel theo đuổi đến cùng chiến dịch tấn công vào Rafah

Chiến dịch tấn công Rafah của Israel, nơi được cho là có hàng ngàn chiến binh Hamas đang ẩn náu và có thể có hàng chục con tin đã bị bắt giữ, đã bắt đầu trong tuần này sau khi dân thường được sơ tán

Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không thể tiếp tay cho một chiến dịch đánh chiếm Rafah và cho rằng Israel không có một kế hoạch đáng tin cậy nhằm bảo vệ những người không tham chiến. Trong khi đó, Israel cho rằng chiến thắng trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng này là bất khả thi nếu không có Rafah.

Israel theo đuổi đến cùng chiến dịch tấn công Rafah và rạn nứt lớn với Mỹ- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP

Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đã giữ im lặng trước báo cáo về việc Washington đang giữ lại một lô bom thả từ trên cao. Ngày 8/5 vừa qua, ông Biden đã công khai vấn đề này là tuyên bố đây là một phần trong cảnh báo của Mỹ đối với việc Israel không được “bước chân vào Rafah” thêm nữa.

Trái lại, Thủ tướng Netanyahu phớt lờ cảnh báo này và cho biết: “Nếu buộc phải đơn độc, chúng tôi sẽ đứng một mình”.

“Nếu tình thế bắt buộc, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Với tinh thần này, chúng tôi sẽ chiến thắng”, ông Netanyahu nói.

Những tuyên bố của Thủ tướng Israel đã được Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz nhắc lại, dù không ai tiết lộ cụ thể về việc Israel sẽ tiến sâu vào Rafah.

Trong một bài phát biểu, ông Gallant cho biết: “Tôi muốn nói với những kẻ thù và đồng minh thân thiết của chúng tôi rằng, Nhà nước Israel sẽ không bị khuất phục. Chúng tôi sẽ đứng vững và đạt được mục tiêu. Chúng tôi sẽ đánh bại Hamas, Hezbollah và bảo vệ được an ninh quốc gia”.

Trong khi đó, ông Gantz đánh giá cao sự hỗ trợ và tiếp tế chưa từng có của Mỹ trong cuộc xung đột.

“Về mặt an ninh quốc gia và đạo đức, Israel có nghĩa vụ tiếp tục chiến đấu để giải cứu các con tin và chấm dứt mối đe dọa của Hamas với miền Nam Israel. Mỹ có nghĩa vụ đạo đức và chiến lược là cung cấp cho Israel công cụ cần thiết để thực hiện sứ mệnh này”, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gantz cho biết trong một bài viết đăng tải trên X.

Người Phát ngôn quân sự cấp cao Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết: “Quân đội có đạn dược cho các nhiệm vụ mà họ đã lên kế hoạch và sứ mệnh tại Rafah. Chúng tôi có những gì chúng tôi cần”.

Mỹ hiện đang dõi theo các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, với Ai Cập và Qatar làm trung gian, nhằm phóng thích một số con tin. Dù vậy, các cuộc đàm phán này đã đi vào bế tắc. Mới đây, ngày 9/5, các bên đàm phán đã rời Cairo mà không có thỏa thuận nào. Đồng thời, Israel cho biết nước này sẽ tiến hành chiến dịch quân sự tại Rafah theo đúng kế hoạch.

Rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Israel

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành nhiều tháng qua để thúc giục Thủ tướng Netanyahu bảo vệ dân thường tại Gaza. Tuy vậy, theo một quan chức Mỹ, quyết định của nước này về việc tạm dừng một số viện trợ quân sự cho Israel có liên quan trực tiếp đến một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng trước.

Trong cuộc điện đàm ngày 4/4, ngay sau khi 7 nhân viên cứu trợ của World Central Kitchen thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel, Tổng thống Biden đã đưa ra tối hậu thư cho ông Netanyahu về việc bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ, nếu không chính sách của Mỹ sẽ thay đổi.

Trong các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, cuộc điện đàm ngày 4/4 đóng vai trò then chốt với quyết định của Mỹ. Cho tới khi đó, Tổng thống Biden vẫn chưa đe dọa trì hoãn hỗ trợ bất chấp những cuộc trao đổi căng thẳng ngày càng gia tăng.

Tuy vậy, vào tuần trước, Nhà Trắng đã hành động theo tối hậu thư. Mỹ giữ lại một lô hàng với hàng ngàn quả bom hạng nặng, vì những lo ngại xoay quanh cuộc tấn công của Israel tại Rafah. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 9/5 cũng cho biết nhiều vũ khí có thể sẽ bị giữ lại.

Mặc dù việc tạm dừng hỗ trợ vũ khí của chính quyền Tổng thống Biden không nghiêm trọng bằng lệnh cấm bán bom chùm cho Israel năm 1982 của cựu Tổng thống Ronald Regan, nhưng cũng là một trong những bước ngoặt trong mối quan hệ căng thẳng giữa Israel và đồng minh đang tin cậy nhất của mình - đất nước đã cung cấp viện trợ quân sự, máy bay chiến đấu và đứng về phía nước này tại Liên Hợp Quốc.

Ông Bruce Riedel, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Brookings cho biết: “Đây không phải tạm dừng tất cả thương vụ mua bán vũ khí cho Israel, nhưng là minh chứng cho việc Mỹ không muốn chiến dịch ở Rafah và đang gia tăng áp lực lên Israel”.

Ngày 9/5, Israel đã tấn công phía Đông Rafah khi thỏa thuận ngừng bắn để tạo điều kiện cho việc trao đổi con tin sụp đổ và Mỹ cảnh bảo rằng chiến lược quân sự của Israel là một sai lầm.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa với lập trường ủng hộ ông Netanyahu, đã chỉ trích gay gắt và cáo buộc Tổng thống Biden làm suy yếu an ninh Israel.

“Nếu bất cứ người Do Thái nào bỏ phiếu cho Joe Biden, họ nên xấu hổ về bản thân mình”, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa – cựu Tổng thống Donald Trump cho hay ngày 9/5.

Ông Biden xem khả năng đàm phán của mình với các nhà lãnh đạo nước ngoài – ngay cả những người thường xuyên bất đồng với ông như Thủ tướng Netanyahu – là một dấu ấn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Sự thách thức công khai của ông Netanyahu đối với lời khuyên của ông Biden về Rafah đã thử thách vai trò của ông với tư cách một chuyên gia chính sách đối ngoại, trong khi áp lực trong nước gia tăng.

Sau khi Tổng thống Biden yêu cầu không được tấn công Rafah vào hôm 6/5, Thủ tướng Netanyahu đã từ chối thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã được Hamas chấp thuận, và bắt đầu các cuộc không kích vào Rafah. Theo một quan chức Mỹ, Israel dường như không đàm phán thỏa thuận ngừng bắn để trao đổi con tin một cách thiện chí. Quyết định tấn công của ông Netanyahu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 57 trong số 212 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện ký một lá thư kêu gọi chính quyền ông Biden thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn cản Thủ tướng Israel tấn công toàn diện vào Rafah.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhấn mạnh về việc việc Israel nên vạch ra một kế hoạch cho Rafah nhằm giảm thiểu ảnh hưởng với hàng trăm nghìn người đang trú ẩn tại đây.

Theo Nhà Trắng, kể từ cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 11/2, Tổng thống Biden “tái khẳng định quan điểm của mình rằng chiến dịch quân sự tại Rafah không nên tiến hành nếu không có một kế hoạch đáng tin cậy nhằm đảo bảo an toàn và hỗ trợ hơn một triệu người đang trú ấn tại đây”.

Khi những lo ngại về kế hoạch tấn công Rafah của Israel tăng lên, các quan chức trong Chính phủ của ông Biden cũng đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của các giai đoạn trước đó trong chiến dịch Gaza của Israel.

Một số quan chức cấp cao đã nói với Ngoại trưởng Antony Blinken rằng họ không thấy sự đảm bảo “đáng tin cậy” của Israel trong việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp theo luật nhân đạo quốc tế.

Tuần trước, giới chức Mỹ cho biết Israel đã cung cấp kế hoạch khái quát về chiến dịch ở Rafah nhưng không đưa ra một sách lược toàn diện về bảo vệ dân thường, dù cho đây là một yêu cầu quan trọng từ Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết: "Hiện tại, điều kiện không cho phép bất cứ chiến dịch quân sự nào được tiến hành. Chúng ta đều biết rõ điều đó. Cần phải quan tâm tới dân thường ở khu vực này trước khi bất cứ điều gì khác xảy ra”.

Lời kêu gọi của ông Austin về viện trợ nhân đạo cho Rafah cũng đã trở thành một phần trong các cuộc điện đàm riêng tư hàng tuần của ông với người đồng cấp Israel - Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cả vào tối ngày 5/5. Nhưng sau đó, ngày 6/5, văn phòng của ông Gallant đã tuyên bố rằng chiến dịch quân sự là cần thiết, "bao gồm cả trong khu vực Rafah”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại