Mạng tin tình báo Mỹ Stratfor ngày 24/5 đã đăng tải những hình ảnh vệ tinh, xác nhận một vụ tấn công do IS tiến hành nhằm vào căn cứ (được cho là T4 – hay còn gọi là Tiyas) của Nga, phá hủy 4 trực thăng Mi-24, 20 xe tải, 1 kho quân nhu và 1 máy bay chiến đấu MIG-25.
Moscow bác bỏ thông tin trên, dù trước đó, báo Nga RIA Novosti đã dẫn một nguồn tin giấu tên của Syria, khẳng định có một vụ cháy ở căn cứ này. "Xe chữa cháy không thể tiếp cận đám cháy do khủng bố pháo kích".
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy căn cứ không quân Nga tại Syria bị phá hủy
Ngày 23/5, liên tiếp 7 vụ đánh bom - cũng được IS lên tiếng nhận trách nhiệm - đã xảy ra tại 2 thành phố Tartus và Jableh - đây là 2 thành phố có các căn cứ quân sự của Nga.
Những báo cáo về IS thường khó xác định độ chính xác, do thiếu thông tin đáng tin cậy. Khi một cuộc tấn công xảy ra ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là căn cứ quân sự, thì việc che giấu mọi chuyện không phải là điều quá khó khăn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Maxim A. Suchkov, chuyên gia đang làm việc với Ủy ban Đối ngoại Nga cho rằng, những vụ tấn công như trên đã cho thấy một sự thực: IS đang chuyển sang chiến thuật du kích và chính điều này sẽ khiến cho các bên, đặc biệt là Mỹ và Nga, gặp khó khăn khi IS có thể tấn công hiệu quả cả những nơi chúng không kiểm soát.
Nhà bình luận chính trị quốc tế Micah Halpern đã so sánh sự kiện tại căn cứ T4 với vụ tấn công của IS nhằm vào Firebase Bell - tiền đồn bí mật của đặc nhiệm Mỹ ở bắc Iraq hôm 21/3 và nhận xét:
"IS đã phát hiện căn cứ của Mỹ và cho thấy, chúng có thể nã rocket tấn công nó từ xa. Cuộc tấn công lần đầu tiên đã thành công tới mức IS đã quay trở lại sau 2 ngày và tiếp tục tấn công một lần nữa. Chắc chắn, đây là lỗ hổng trong an ninh Mỹ.
Các căn cứ Nga và Mỹ đều rất có thể bị nã pháo GRAD - vốn có thể gắn được vào sau xe jeep hoặc xe bán tải. Những kẻ khủng bố chỉ cần khai hỏa và rồi lái xe đi. Chúng cũng có thể sử dụng súng phóng tên lửa và các vũ khí vác vai SMAW.
Nga hiện là mục tiêu số một trong danh sách của IS".
Ông Halpern tỏ ra đôi chút ngạc nhiên vì IS đã chờ đợi quá lâu để trả thù các cuộc tấn công ồ ạt của Nga nhằm vào các hoạt động của chúng, các thị trấn và thành phố do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq".
Theo vị chuyên gia này, những kẻ khủng bố đang muốn đẩy Nga vào một vũng lầy mà ở đó, nước này phải trả giá đắt, tương tự như ở Afghanistan trong khoảng 1979-1989 – khi người Nga cũng được trang bị rất nhiều vũ khí hạng nặng, nhưng không thể đọ nổi với các cuộc tấn công quy mô nhỏ của Mujahadin.
Tiến sĩ Maxim A. Suchkov thì cho rằng, mặc dù tỏ ra cứng rắn, song giới chức Nga thực tế đang lo lắng vì các cuộc tấn công khủng bố và cũng nhận thức rất rõ thông điệp từ IS.
Dù thế, theo, ông Suchkov, có ít bằng chứng cho thấy Moscow sẽ mở rộng hoạt động tới mức vượt quá những gì cần thiết để đảm bảo mục tiêu cơ bản của mình - bảo vệ các căn cứ quân sự.