Trong suốt gần 20 năm qua, giới tinh hoa Iraq được cư trú trong sự an toàn của “Vùng Xanh”. Nhưng mọi thứ đang khác đi...
Lãnh thổ Mỹ giữa Baghdad
Năm 2004, sau 1 năm chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, trên tờ The Newsweek đã đưa bài viết miêu tả về Vùng Xanh (Green Zone): "Đây là một Iraq không hẳn Iraq, một Tiểu Roma của các hoàng đế La Mã giữa lòng Baghdad khói lửa, một lãnh thổ nước Mỹ thu nhỏ ở Baghdad".
Nằm bên trong những dãy tường nham nhở vết bom đạn, được những đơn vị xe tăng Abrams và máy bay trực thăng Apache bảo vệ, "Vùng Xanh" rộng 10 km2 tập trung những tòa kiến trúc đẹp nhất của Baghdad, tương đương như Nhà Trắng, tượng đài Washington và những địa chỉ quan trọng khác ở thủ đô nước Mỹ. Nhiều người Iraq, kể cả các bộ trưởng của chính phủ lâm thời và thị trưởng Baghdad muốn người Mỹ rút đi. Nhưng người Mỹ không đồng ý. Chẳng những không rút, "Vùng Xanh" còn đang được mở rộng.
Ít nhất có 5 công ty an ninh và xây dựng Mỹ đang có kế hoạch xây dựng thêm những công trình ở vành đai sau này sẽ thuộc tổng thể “Vùng Xanh”. Lý do vì sự tranh chấp ở khu này đang diễn ra quyết liệt. Một đội nhỏ nhân viên Liên Hợp Quốc đóng tại “Vùng Xanh” đang chuẩn bị xây trụ sở tương lai của Liên Hợp Quốc tại đây. Một số sứ quán và công ty nước ngoài được Mỹ ưu ái, cũng đặt trụ sở tại “Vùng Xanh”.
“Điều gì khác biệt giữa “Vùng Xanh” và “Vùng Đỏ”? Đó là sự an toàn! Nhưng tất cả đều giành cho giới chính trị gia và người Mỹ, nó không thuộc về chúng tôi” – một người dân Baghdad nhận định.
Sự tương phản ấy giữa Vùng Xanh và Vùng Đỏ trở nên rõ ràng ngay lập tức khi đi qua trạm kiểm soát lối vào trên phố có tên 14/7. Đường phố sạch sẽ. Giao thông thưa thớt và trật tự. Những bãi cỏ và đài phun nước xanh nằm dọc một bên đại lộ gần tượng đài của người lính vô danh, được dựng lên vào những năm 1980 để kỷ niệm cuộc chiến tranh Iran-Iraq và chỉ là một trong nhiều địa điểm lịch sử trước đây công chúng không thể tiếp cận được.
Năm 2003, quân đội Mỹ đã đóng cửa hoàn toàn khu vực này. “Công dân bình thường bị đẩy ra ngoài không phải vì họ bị ép buộc, mà vì không thể sống với điều kiện hạn chế di chuyển” - ông Madfai phụ trách công tác phát triển các kế hoạch tổng thể cho “Vùng Xanh cho biết”.
“Đỏ” cả “Vùng Xanh”
Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin quân đội Iraq cho biết, tối 11/8, một tên lửa đã được bắn vào "Vùng Xanh" từ căn cứ quân sự bỏ hoang ở phía đông-nam thủ đô. Lực lượng an ninh Iraq đã thu giữ một tên lửa khác trong cùng một khu vực. Dù không gây thương vong nhưng nó làm cho nhiều người sinh sống trong khu vực cảm thấy mất an toàn.
Trong hơn một năm nay, "Vùng Xanh" thường trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bằng tên lửa. Trong các mục tiêu, có cả Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.Người dân "Vùng Xanh" cũng chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ tấn công ngay đầu năm mới 2020. Ngày 5/1, ba quả tên lửa Katyusha đã được phóng nhằm vào thủ đô Baghdad. Trong đó, hai tên lửa đã rơi trúng Vùng Xanh - khu vực gồm các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài.
Theo nguồn tin từ cảnh sát địa phương, 6 người đã bị thương trong vụ việc trên. Hiện chưa rõ cá nhân hay nhóm vũ trang nào thực hiện vụ tấn công này. Tuy nhiên, nó diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Iraq leo thang sau vụ Mỹ không kích “trái phép” sân bay quốc tế Baghdad, khiến chỉ huy lực lượng dân quân Iraq và Tướng Iran thiệt mạng.
Tư lệnh lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Iraq, Thiếu tướng Dany Fortin, người chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ một năm tại đây, cho biết, tình trạng bạo lực liên quan tới làn sóng biểu tình chống Chính phủ tại Iraq là một “thảm kịch tồi tệ”. Hiện Mỹ có hơn 5.000 binh sĩ tại Iraq để hỗ trợ các lực lượng nước này trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện và cố vấn.
“Đã đến lúc người Mỹ cũng không cảm thấy an toàn chính bởi sự có mặt của họ trên đất nước chúng tôi. Họ cần rút đi để đất nước Iraq chỗ nào cũng là vùng xanh. Không đánh bom, không giết chóc và chúng tôi sẽ xây dựng lại đất nước của mình”, CNN dẫn lời một người dân Iraq nói.