Trả lời phỏng vấn, Người phát ngôn bộ trên Ahmed Jamal cho biết Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao "công hàm phản đối với những lời lẽ mạnh mẽ" về việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hiện diện gần Bashiqa và những tuyên bố mang tính xúc phạm gần đây của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lãnh đạo Iraq.
Tuần trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định các lực lượng nước này sẽ tiếp tục đồn trú tại căn cứ quân sự Bashiqa ở miền Bắc Iraq, bất chấp việc Baghdad yêu cầu lực lượng này rút lui.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cũng tuyên bố quân đội Ankara sẽ tham gia chiến dịch đẩy lui các phần tử thánh chiến khỏi Mosul, nêu rõ có mặt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ quân sự trên là hợp pháp và việc này sẽ được duy trì khi còn cần thiết.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã liên tiếp yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân; đồng thời, tuyên bố Chính phủ Iraq không cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chiến dịch giải phóng Mosul bởi kế hoạch triển khai quân của Ankara vi phạm chủ quyền của Iraq.
Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ các chiến dịch quân sự tại Mosul sẽ do quân đội Iraq thực hiện và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Iraq không phải là một phần trong phái bộ liên quân quốc tế.
Cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Ankara và Baghdad trở nên trầm trọng hơn sau khi hồi cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đưa quân vào thị trấn Bashiqa, nằm gần thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul do IS chiếm đóng.
Hành động trên của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự lên án và chỉ trích gay gắt của chính quyền Iraq. Dư luận khu vực lo ngại cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể kéo theo những tác động bất lợi nghiêm trọng đối với cuộc chiến chống IS mà cả hai nước đều cùng tham gia.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì khoảng 2.000 binh sỹ tại Iraq, trong đó có 500 quân đồn trú tại Bashiqa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện các tay súng địa phương, được truyền thông Ankara đưa tin là sẽ tham gia các chiến dịch giải phóng Mosul.