Iran vắng mặt, "đòn hiểm" của Saudi Arabia tại Doha nhắm vào ai?

Thùy Trang |

Biết rõ Iran không xuất hiện, vì sao Saudi Arabia vẫn tạt gáo nước lạnh vào niềm hi vọng mới của các nước tham gia Doha, bất chấp nguy cơ bị Nga và cộng đồng OPEC cô lập?

Nếu xem xét kĩ, chúng ta có thể nhận thấy rằng đằng sau phản ứng của Saudi Arabia tại Doha không đơn giản chỉ là mối bất hòa với Iran.

Nguồn thu từ dầu mỏ, vốn đóng vai trò rất quan trọng, nay lại đối mặt với nguy cơ lớn. Đất nước này đang phải tìm kiếm viện trợ tài chính từ nhiều tổ chức quốc tế khác nhau để cứu vãn nền kinh tế suy thoái.

Nhưng dù lâm vào cảnh khốn cùng, Saudi Arabia vẫn khá khẩm hơn rất nhiều quốc gia khác, cây bút Rakesh Upadhyay của trang OilPrice viết.

Giá dầu xuống thấp khiến tình hình Iraq càng thêm tồi tệ. Người Kurd tại Iraq thậm chí còn lợi dụng tình hình hiện nay để tách ra giành độc lập và tiến hành những kế hoạch xuất khẩu đơn phương. Không có viện trợ từ bên ngoài, cuộc chiến với IS tại đây khó có thể được duy trì.

Angola và Azerbaijan cũng phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ecuador có lẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi trận động đất khủng khiếp gần đây khiến cả quốc gia tê liệt. Chắc chắn, để thực hiện tái thiết đất nước, Ecuador sẽ cần tới sự trợ giúp của IMF, Ngân hàng Thế Giới cùng một vài tổ chức cho vay khác .

Về phần Nga, sau khi giảm 3,5% năm 2015, GDP, theo dự đoán của Ngân hàng Trung ương, sẽ giảm thêm 1,5% nữa trong năm 2016,. Kazakhstan cũng không khả quan hơn, tỉ lệ tăng trưởng năm 2015 giảm còn 1,2% sau khi tăng một cách ấn tượng năm 2013.


Vụ động đất gần đây đã làm tê liệt đất nước Ecuador. Ảnh: Reuters

Vụ động đất gần đây đã làm tê liệt đất nước Ecuador. Ảnh: Reuters

Nền tài chính của hầu hết các nước tham gia đều bị tàn phá nặng nề, những biện pháp mạnh để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ bắt đầu được thực thi. Khủng hoảng đã ở rất gần rồi.

Phía Saudi, dù chưa có biểu hiện rõ ràng, chắc chắn không nằm ngoài vòng xoáy trên. Tuy nguồn dự trữ quốc gia đang giảm với tốc độ kỉ lục, Riyadh vẫn có thể trụ vững khoảng 3 tới 4 năm nữa trong tình hình giá dầu tụt dốc như hiện nay.

Không dừng lại ở đó, theo Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), "đại gia dầu mỏ" này hoàn toàn có thể tăng sản lượng lên thêm 2 triệu thùng mỗi ngày nếu thực sự cần tiền.

Vậy thái độ quyết liệt, không thèm đếm xỉa đến cam kết của những nước thành viên trong hội nghị Doha của Saudi Arabia rốt cục có ý nghĩa gì?

Nhiều thập kỷ qua, Riyadh vẫn chễm chệ ngồi trên ngai vàng của các nước xuất khẩu dầu mỏ, sở hữu quyền phủ quyết đối với mọi vấn đề liên quan đến dầu.

Song từ năm 2014, quốc gia này dường như đang trở nên yếu thế hơn trước các ông chủ dàn khoan dầu đá phiến của Mỹ, những người có sức bền vượt mức kì vọng.

Tuy nhiên, điểm yếu của bộ phận này có vẻ bắt đầu lộ diện, khi sản lượng dầu đá phiến nay giảm chỉ còn dưới 9 triệu thùng mỗi ngày, thấp nhất trong vòng 18 tháng qua.

Nếu giá dầu vẫn giữ ở mức dưới 40USD/thùng, một vài ông chủ của chúng ta có lẽ cũng dần từ bỏ. Nhưng, trong trường hợp giá dầu thô tăng lên trên 50USD/thùng, các nhà sản xuất dầu đá phiến đã tuyên bố rõ rằng họ sẽ quay trở lại.


Saudi Arabia có lẽ đang cảm thấy yếu thế trước các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Ảnh: Getty

Saudi Arabia có lẽ đang cảm thấy yếu thế trước các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Ảnh: Getty

Việc chấp nhận thỏa thuận vô hình chung sẽ tiếp thêm động lực mới cho ngành dầu đá phiến. Các nhà sản xuất sẽ tiếp tục bơm dầu ở cường độ cao, tăng cung và từ đó ép giá dầu giảm xuống.

Viễn cảnh trên chắc chắn gây hại tới tiếng tăm của Saudi Arabia - cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới. Ngai vàng giờ đây sẽ rơi vào tay những ông chủ tới từ Mỹ, điều mà Riyadh hẳn không bao giờ cho phép xảy ra.

Đồng thời, Iran cũng trở lại sau lệnh trừng phạt, vị thế dẫn đầu của Saudi Arabia trong OPEC do đó càng thêm bị đe dọa. Phá hoại hội nghị lần này, Riyadh một mặt khẳng định quyền lực vượt trội, mặt khác nhắc nhở các nước OPEC về tầm ảnh hưởng mà Vương quốc này vẫn còn nắm giữ.

Phía Saudi qua đó cũng củng cố thế lực của mình trong liên minh độc quyền mới lần này, ngầm nhắn gửi rằng "ông lớn về dầu mỏ" này nhất quyết không để Nga giành vị trí độc tôn, và mọi quyết định đưa ra đều phải đặt Riyadh ở vị trí trung tâm.

Công khai phản đối trong hội nghị, Saudi Arabia có lẽ đang "dằn mặt", hòng giành lại ghế lãnh đạo từ tay các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, đồng thời chặn đứng mọi thách thức từ phía Iran.

Phản ứng tại Doha, theo ông Upadhyay, có thể xem là quân át chủ bài Saudi Arabia sử dụng để lấy lại tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong tình cảnh các nước OPEC đều đứng trên bờ vực, có lẽ phải chờ đến cuộc họp tiếp theo của tổ chức này ta mới có thể kiểm chứng được rằng động thái trên thực sự là nước đi xuất sắc, hay chỉ là nỗ lực hòng chộp giật quyền lực một cách tạm thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại