Iran và Nga 'bằng mặt nhưng không bằng lòng' ở Syria?

Bảo Hà |

Giới chuyên gia tin rằng Nga và Iran chỉ thể hiện sự đồng thuận về mặt chiến thuật, còn đối với nhiều vấn đề khác thì hai bên vẫn có quan điểm khác biệt.

Nhật báo Nezavisimaya Gazeta của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết Tehran có thể đang xây dựng một cảng biển quân sự gần các căn cứ Nga tại Syria. Trước đó, trong một bài viết hôm 5/5, một tàu chở dầu Iran có lịch trình hướng về Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi đường đi, bất ngờ dừng tại cảng biển Banias của Syria.

Theo nguồn tin ngoại giao trên, trong tương lai, thành phố cảng biển này có thể trở thành một trong những cơ sở quân sự then chốt của Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Syria. Không ngoại trừ khả năng cơ sở nằm giữa các căn cứ Tartus và Hmeymim của Nga sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Giới chuyên gia tin rằng Nga và Iran chỉ thể hiện sự đồng thuận về mặt chiến thuật, còn đối với nhiều vấn đề thì hai bên vẫn có nhiều quan điểm khác biệt.

“Hoạt động của Iran gần Banias có thể gây bất ổn không chỉ đối với khu vực, mà còn cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ bình ổn khu vực này”, nguồn tin ngoại giao chia sẻ. “Cần phải theo dõi xem chuyện gì đang xảy ra xung quanh cảng biển đó vì trong tương lai, nó có thể biến thành căn cứ quân sự của Iran gần Địa Trung Hải”.

Việc Iran tiếp cận Địa Trung Hải được dự đoán làm giảm vị thế của Nga đối với nền kinh tế các khu vực ven biển Syria và gây ra những rủi ro an ninh nhất định. Khoảng cách gần của các cơ sở Iran với các căn cứ Nga, bất kể mục đích của chúng là gì, không chỉ làm cuộc sống của các quân nhân Nga trở nên phức tạp hơn, mà còn trực tiếp giám sát họ. Tuy nhiên, cũng rất khó để ngăn Damascus duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Tehran – quốc gia đã cho Syria vay các khoản ước tính lên tới 6-8 tỷ USD trong suốt những năm nội chiến. Trên thực tế, Iran từ rất lâu đã là một đồng mình chiến lược, luôn công khai ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo Frederic Hof, cựu cố vấn đặc biệt cho quá trình chuyển giao ở Syria thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga lo ngại Iran tìm cách biến Syria tương tự như những gì làm ở Lebanon, cụ thể là tạo ra một lực lượng giống phong trào Hezbollah thân Tehran, bất chấp nỗ lực của Moskva khôi phục nhà nước Syria. Quan chức này còn nhấn mạnh các doanh nhân Nga và Iran vẫn có mâu thuẫn về các dự án tái thiết ở Syria và các vấn đề kinh tế khác.

Lô hàng dầu mỏ của Iran mà Syria mới đây nhận được là một trong hai chuyến hàng đã được lên kế hoạch từ trước. Syria đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng vào mùa Đông này. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống al-Assad cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay một phần là do chính sách bao vây cấm vận của các nước phương Tây chống lại ông, trong đó có các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm cấm giao thương với Damascus.

Mỹ từng cảnh báo sẽ mạnh tay áp đặt trừng phạt đối với những bên chuyển dầu mỏ cho Chính phủ Syria. Washington nhấn mạnh các lệnh trừng phạt này nhằm mục đích cô lập ban lãnh đạo của Syria.

Iran hiện là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống al-Assad, khi viện trợ cho nước này cả quân sự lẫn tài chính.Tuy nhiên, chính Tehran cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ thời gian gần đây.

Độc giả đọc tin gốc tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại