Iran toan tính gì ở phía bắc Syria?

Kiều Anh |

Đằng sau sự ủng hộ của Iran với chính quyền Syria và trong mối quan hệ với Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, Tehran đang thực sự toan tính điều gì?

Những toan tính của Iran ở phía bắc Syria

Đầu tháng 9/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo chính thức quân đội Mỹ sẽ hiện diện "vô thời hạn" ở Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đồng ý ký quyết định này, vốn hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đây của ông rằng quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria.

Chỉ 2 tuần trước, trong chuyến thăm tới Israel, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã yêu cầu Iran phải rút quân khỏi Syria. Phía Tehran đã phản ứng bằng cách cử Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami tới Damascus - nơi ông từng ký một thỏa thuận hợp tác quân sự đảm bảo Iran tiếp tục vai trò quốc phòng của mình ở Syria và khẳng định rằng Tehran sẽ không có ý định rời đi sớm.

Đối mặt với những sức ép gia tăng từ phía Mỹ và Israel, Iran không chỉ từ chối việc rút quân khỏi Syria mà còn có ý định củng cố vị thế ở Trung Đông.

Tại Syria, mục tiêu cuối cùng của Iran là đối phó với Mỹ, kiềm chế sự ảnh hưởng và khiến cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây trở nên tốn kém hơn. Để thực hiện được điều này, Iran tập trung vào khu vực phía bắc Syria với nỗ lực thiết lập một thực tế mới với sự giúp sức của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cụ thể, Iran tìm cách thực hiện mục tiêu này bằng cách bao vây khu vực phía đông sông Euphrates hiện đang đặt dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cũng như "khắc họa" Mỹ giống như một nhân tố cản trở những nỗ lực cho một giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột Syria.

Tehran hy vọng kịch bản này sẽ khiến cộng đồng quốc tế nhìn nhận Mỹ như một kẻ xâm lược Syria và gia tăng sức ép buộc Washington phải rút quân.

Tuy nhiên, có một thách thức lớn mà Iran phải đối phó để thực hiện kế hoạch này. Đó chính là Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Syria. Đó là lý do tại sao Iran phải hợp tác với chính phủ Syria để giành quyền kiểm soát tỉnh này với những toan tính cả về mặt ngoại giao và quân sự.

Chiến lược mà Iran đang theo đuổi này đã được khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 7/9 với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran.

Phía Iran đang hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục chống lại lực lượng vũ trang đối lập và buộc lực lượng này phải chấp nhận một thỏa thuận hòa giải, tương tự như các thỏa thuận ở vùng Đông Ghouta - ngoại ô Damascus và các tỉnh phía nam Syria như Deraa và Quneitra.

Một khi thỏa thuận này được hoàn thành, mục tiêu tiếp theo của Iran sẽ là khu vực do lực lượng SDF kiểm soát - nơi mà lợi ích của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể thống nhất với nhau.

Ankara luôn coi lực lượng SDF của người Kurd - một nhánh của Đảng Công nhân Kurd (PKK) là một tổ chức khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhiều lần nhắc rằng ưu tiên lớn nhất của ông là đảm bảo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khỏi những kẻ khủng bố.

Iran – Nga – Thổ tìm được tiếng nói chung

Mặc dù 3 quốc gia này không thể nhất trí một kế hoạch cho Idlib tại Hội nghị Thượng đỉnh Tehran nhưng những bình luận của Tổng thống Erdogan rằng Thổ Nhĩ Kỳ "hoàn toàn khó chịu" về việc Mỹ tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố đã được Tehran đồng ý.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định rằng bước cuối cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria là: "tại vùng phía đông của Euphrates - nơi mà sự can thiệp bất hợp pháp của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu gây nên các vấn đề... Một trong những yêu cầu của chúng tôi là Mỹ phải rút quân khỏi Syria ngay lập tức".

10 ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận tại Sochi để thiết lập khu vực phi quân sự ở Idlib và hợp tác với nhau trong việc loại trừ các nhóm khủng bố ở khu vực này.

Dù bề ngoài, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đi ngược với lợi ích của Iran nhưng Tehran lại thể hiện sự ủng hộ với thỏa thuận này. Có thể Iran coi đây là một sự sắp xếp tạm thời giúp giải quyết những khác biệt với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho Idlib.

Thỏa thuận tại Sochi về việc thiết lập khu vực phi quân sự chỉ tạm thời trì hoãn một cuộc tấn công vào Idlib. Iran có thể sẽ nỗ lực để đạt được một giải pháp "vẹn cả đôi đường" cả về mặt ngoại giao và quân sự trong một vài tuần hoặc một vài tháng tới.

Dù giữa Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại những bất đồng lớn nhưng cuối cùng, điều quan trọng là 3 quốc gia này đều phản đối các chính sách hiện tại của Mỹ ở Syria. Cả 3 quốc gia này cũng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và có những vấn đề nghiêm trọng về lòng tin với chính quyền Tổng thống Trump.

Nhấn mạnh về điểm chung này, Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nhận định với Tổng thống Nga Putin vào đầu tháng 9 rằng "có thể kiềm chế được Mỹ" và Iran cùng với Nga nên tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu này.

Bất chấp những bài báo gần đây về mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Nga, Iran không quan tâm đến thái độ của Nga về sự hiện diện quân sự của mình tại Syria bởi hai quốc gia cùng nhau chia sẻ những mối quan tâm địa chính trị chung với Mỹ. Tương tự, Moscow cũng có được những lợi ích lớn khi hợp tác với Iran khi Nga có thể gia tăng sự tín nhiệm và ảnh hưởng chiến lược tại Trung Đông.

Ngoài những nỗ lực ngoại giao trên vũ đài quốc tế và qua tiến trình Astana, Tehran có một vài lựa chọn để tăng sức ép lên Mỹ tại khu vực đông bắc Syria.

Cùng với các đồng minh của mình, Iran có thể "khoét sâu" thêm những khác biệt giữa các nhóm người Kurd ở Syria nhằm khiến quân đội Mỹ sa lầy vào một tình thế phức tạp như những diễn biến từng xảy ra ở Iraq sau năm 2003.

Bên cạnh đó, Tehran có thể xúi giục các lực lượng chống Mỹ ở thế giới Arab trong các vùng lãnh thổ này cũng như có thể sẽ đẩy các phần tử cực đoan ở Idlib vào các khu vực do lực lượng SDF kiểm soát nhằm khiến Mỹ phải đối phó với các phần tử này.

Dù Iran lựa chọn theo đuổi chiến lược nào, Mỹ đều sẽ sớm cảm nhận được những sức ép đang gia tăng với Washington. Chiến lược của Tehran có thể sẽ đóng vai trò như một trở ngại với kế hoạch về việc mở thêm các mặt trận chống Iran ở Trung Đông của Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại