Iran tố cáo Nga "chơi trò hai mặt", đặt ranh giới đỏ với Putin

Đức Huy |

Trong khi LHQ chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về vấn đề Syria, ngày càng xuất hiện thêm những dấu hiệu về sự khác biệt trong quan điểm giữa Nga và Iran.

Theo trang tin Arab Asharq Al-Awsat, một trong số đó xuất hiện hôm 10/4 vừa qua, khi Ali-Akbar Velayati, cố vấn cấp cao của lãnh tụ Ali Khamenei, khẳng định "quyết tâm" của Iran nhằm củng cố quyền lực Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.

Phản ứng trước những thông tin cho rằng Nga nhiều khả năng đã có một thỏa thuận ngầm với Mỹ nhằm lật đổ Assad, ông Velayati nhấn mạnh số phận của Assad chính là "ranh giới đỏ của Iran".

Nhưng chỉ một nhận định đơn thuần đến từ một trang tin Arab vốn có quan hệ chẳng lấy gì làm tốt đẹp với Iran thì cũng chẳng có gì đáng nói.

Song một dấu hiệu rõ nét hơn đã xuất hiện hôm 11/4 vừa qua, trong một bài viết xã luận đăng trên tờ Kayhan, nhật báo chuyên phản ánh quan điểm của lãnh tụ tối cao Iran.

Nội dung bài báo có đoạn, dù Nga có "tầm ảnh hưởng lớn" trong "chiến lược quốc gia" của Syria, song Moscow chưa bao giờ có quyền được áp đặt điều mình muốn.


Nhật báo Kayhan phiên bản tiếng Anh số ra ngày 11/4/2016, với bài viết Tổng thống Assad là ranh giới đỏ của Iran.

Nhật báo Kayhan phiên bản tiếng Anh số ra ngày 11/4/2016, với bài viết "Tổng thống Assad là 'ranh giới đỏ' của Iran".

Bài báo lấy cuộc chiến tranh kéo dài 33 ngày giữa Israel và phong trào Hezbollah năm 2006 làm dẫn chứng cho việc Syria từ chối nghe lệnh Nga. Theo Kayhan, trong cuộc chiến này, Moscow đã đề nghị Assad không cung cấp vũ khí Nga cho Hezbollah.

Tuy nhiên, Tổng thống Syria đã phớt lờ đề nghị của Nga để rồi nghe theo thỉnh cầu của Iran, và cứ thế tuồn vũ khí và các trang thiết bị quân sự Nga cho Hezbollah.

Cũng trong cuộc chiến này, bài viết trên tờ Kayhan cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép một nhóm binh sĩ Do Thái người Nga chiến đấu sát cánh quân đội Israel, đặc biệt là ở khu vực thị trấn Bint-Jubail.

Cùng lúc đó, Syria cũng cử binh sĩ và chuyên viên hậu cần tới hỗ trợ Hezbollah. Nói cách khác, Nga và Syria "ở hai đầu chiến tuyến" trong giao tranh Israel-Hezbollah.

"Tồn tại những bất đồng về mặt chiến lược giữa Damascus và Moscow. Tuy nhiên, không hề có bất đồng nào giữa Tehran và Damascus. Syria không phụ thuộc hoàn toàn vào Nga, thực chất Iran mới là nước cung cấp phần nhiều lượng vũ khí mà Syria cần" - bài báo viết.

Cũng theo Kayhan, việc Nga khởi xướng chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria hồi tháng 10 năm ngoái, cũng chỉ là một phần kế hoạch do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) định sẵn, và được Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds Qassem Soleimani trình bày với Nga trong chuyến thăm tới Moscow trước đó.

Theo Kayhan, kế hoạch của Iran dự tính Nga sẽ can thiệp quân sự tại Syria trong vòng 5 tháng, trùng khớp với thời điểm Moscow tuyên bố rút quân hồi tháng trước.

"Theo tính toán của Iran, việc Nga rút quân, dù đó là tất cả các lực lượng của Nga, cũng tốt hơn cho Syria" - bài báo viết.

Thái độ bất bình của Kayhan đối với Nga thể hiện rõ ở đoạn cuối bài viết, khi báo này khẳng định, Tehran đã hi sinh nhiều như thế, đã có nhiều chiến binh "tử vì đạo" tại Syria trong suốt 5 năm như thế, thì không đời nào để Syria trở thành một con tốt trong cái bắt tay Nga-Mỹ.

"Assad hiểu rằng việc chính phủ của ông tồn tại được đến ngày nay là nhờ Iran" - bài báo viết.

Theo Kayhan, trong khi Nga không đóng góp gì trên bộ tại Syria, thì Iran và Hezbollah nay đang kiểm soát phòng tuyến của chính phủ Syria ở cả bắc trung nam. Do đó, nếu Nga đi đến bất kì thỏa thuận nào với một bên thứ ba mà không có sự hậu thuẫn của Iran, thỏa thuận đó "sẽ không đi đến đâu".

"Nga đang chơi trò hai mặt tại Syria. Còn với Iran, nước này sẽ thỏa thuận với 'mặt' phù hợp với chiến lược của mình, và đáp trả 'mặt' theo hướng ngược lại" - bài báo kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại