Iran điều tra vụ rơi trực thăng, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chi tiết lạ

Anh Thư |

Một phái đoàn cấp cao từ Lực lượng Vũ trang Iran đã được cử đến hiện trường vụ rơi trực thăng chở cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Theo hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đưa tin hôm 20-5, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran Mohammad Bagheri đã giao một phái đoàn cấp cao điều tra vụ rơi trực thăng khiến ông Raisi và nhóm tháp tùng thiệt mạng.

Iran điều tra vụ rơi trực thăng, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chi tiết lạ- Ảnh 1.

Các nhân viên tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Iran tiếp cận hiện trường vụ rơi trực thăng vào ngày 20-5, sau khi cổ Tổng thống Iran Raisi mất tích khoảng nửa ngày - Ảnh: IRNA

Phái đoàn của Lực lượng Vũ trang Iran do Chuẩn tướng Ali Abdollahi dẫn đầu. Kết quả điều tra sẽ được công bố sau khi nhiệm vụ hoàn thành.

Trước đó vào hôm 19-5, ông Raisi đang trở về sau buổi lễ khánh thành một con đập ở biên giới Iran - Azerbaijan thì trực thăng của ông bị rơi ở vùng Varzaqan, Tây Bắc Iran.

Tất cả những người trên máy bay bao gồm ông Raisi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hossein Amirabdollahian và một số quan chức cấp cao khác của tỉnh Đông Azerbaijan đều thiệt mạng.

Song song đó, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nêu ra một chi tiết bất thường được ghi nhận trong quá trình họ hỗ trợ Iran.

The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloğlu nói với các phóng viên rằng khi biết tin về vụ tai nạn, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm tra tín hiệu từ bộ phát đáp của trực thăng, vốn có chức năng phát thông tin về độ cao và vị trí của chiếc trực thăng.

“Nhưng thật không may, rất có thể hệ thống tiếp sóng đã bị tắt hoặc trực thăng không có hệ thống này” - ông Uraloğlu nói.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các quốc gia nhanh chóng cử lực lượng tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ Iran ngay sau khi nước này công bố thông tin trực thăng chở cố tổng thống mất tích.

Cũng theo The Guardian, còn có thông tin cho rằng chính phủ Iran đã được các quan chức hối thúc mua hai máy bay trực thăng của Nga cho các nhà lãnh đạo của họ trong bối cảnh lo ngại về việc duy trì đội máy bay trực thăng cũ kỹ.

Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây khó khăn cho việc mua phụ tùng thay thế cho phi đội.

Chiếc trực thăng gặp nạn là Bell 212 loại hai cánh quạt có khả năng chở 15 người, phiên bản dân sự của trực thăng chiến đấu UH-1N "Twin Huey" do Mỹ sản xuất, theo Iran International.

Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản Iran mua sắm loại máy bay này hay các vật tư liên quan từ năm 1979, do đó những máy bay đang được sử dụng ở Iran đã được sử dụng rất lâu năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại