Tàu chiến của Hải quân Iran ở Vịnh Ba Tư. Ảnh: AP
Truyền thông Iran ngày 6/8 đưa tin, quân đội nước này đã bổ sung thêm vũ khí cho lực lượng hải quân với máy bay không người lái tang cường và tên lửa với tầm bắn lên tới 1.000 km trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ về lưu lượng vận chuyển qua eo biển Hormuz, tuyến đường có tầm quan trọng chiến lược đối với thị trường dầu mỏ thế giới.
Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã chính thức sở hữu thiết bị mới bao gồm máy bay không người lái trinh sát và chiến đấu, cũng như thiết bị tác chiến điện tử, bệ phóng tên lửa gắn trên xe tải và hàng trăm tên lửa hành trình và đạn đạo.
Thông báo được đưa ra sau khi có báo cáo hồi đầu tuần này rằng các quan chức quân sự Mỹ đã vạch ra kế hoạch chưa từng có để đưa lính vũ trang lên các tàu thương mại đi qua Eo biển Hormuz, nhằm ngăn chặn Iran bắt giữ và quấy rối các tàu dân sự.
Hồi tháng trước, Lầu Năm Góc cũng đã công bố việc triển khai thêm máy bay chiến đấu cùng hàng nghìn lính thủy đánh bộ và thủy thủ trên tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và tàu đổ bộ USS Carter Hall đến khu vực Vịnh Ba Tư để đối phó với "các sự kiện đáng báo động" như việc Iran bắt giữ các tàu thương mại.
Chuẩn tướng Abolfazi Shekarchi, phát ngôn viên của quân đội Iran, đã lên án đề xuất triển khai quân đội của Washington trên các tàu hàng.
Khoảng 20% nguồn cung cấp dầu của thế giới, hoặc một phần ba tổng số lô hàng dầu thô bằng đường biển, đi qua eo biển Hormuz, lối đi hẹp nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Biển Ả Rập. Tehran thường cáo buộc các công ty khai thác tàu vi phạm nguyên tắc vận chuyển, chẳng hạn như buôn lậu dầu.
Tư lệnh Alireza Tangsiri khẳng định các tên lửa mới mang lại cho Hải quân IRGC độ chính xác cao hơn và tầm bắn xa hơn so với trước đây khi tiết lộ rằng "các tên lửa hành trình có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc và các lệnh có thể được thay đổi sau khi cất cánh".
Căng thẳng Mỹ-Iran đã gia tăng kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018. Những nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã thất bại, bất chấp sự thay đổi trong lãnh đạo Mỹ khi ông Joe Biden kế nhiệm ông Donald Trump làm Tổng thống vào tháng 1/2021.