Việc chuyển giao diễn ra vào ngày 18 tháng 11 năm 2024 tại nhà máy chế tạo hàng không ở Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ) nhưng bây giờ mới chính thức tiết lộ với báo chí.
Những chiếc máy bay đã được tháo rời để đưa đến căn cứ không quân Hamadan, nơi tiến hành thao tác lắp ráp cuối cùng và chuẩn bị cho hoạt động. Dữ liệu này được cung cấp bởi nhà báo Khayal Muazzin.
Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện đại với thiết bị điện tử được cải tiến, khả năng cơ động cao và tầm hoạt động đều được mở rộng. Loại tiêm kích này sẽ tăng cường đáng kể tiềm năng của Không quân Iran, cung cấp cả khả năng bảo vệ không phận và tiến hành các hoạt động tấn công mặt đất - mặt nước.
Được biết theo các điều khoản của hợp đồng, Iran sẽ nhận được 50 máy bay loại này thay vì 25 chiếc như đã thảo luận ban đầu. Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Iran, nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Việc bàn giao Su-35 diễn ra trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng của phương Tây, thực tế trên càng củng cố tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ song phương.
Giới chuyên gia lưu ý rằng sự xuất hiện của Su-35 trong Không quân Iran có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trong khu vực, khi chiếc tiêm kích này có khả năng chống lại các mối đe dọa hiện đại một cách hiệu quả, bao gồm máy bay không người lái công nghệ cao và tên lửa hành trình.
Không chỉ có vậy, chiến đấu cơ tối tân do Nga sản xuất có thể được sử dụng để mang lại ưu thế trên không và hỗ trợ các hoạt động tác chiến trên mặt đất.
Việc chuyển giao Su-35 cũng báo hiệu bước phát triển trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và các nước Trung Đông. Trong bối cảnh hứng chịu áp lực trừng phạt và hạn chế xuất khẩu vũ khí công nghệ cao từ các nước phương Tây, Moskva vẫn tiếp tục củng cố vị thế của mình trên thị trường vũ khí quốc tế.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar do Iran chế tạo.