Thiếu tướng Baqeri cho biết thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mang lại lợi ích cho Iran với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, ông cảnh báo Iran không có lý do để duy trì thỏa thuận này nếu các lệnh trừng phạt mới vẫn tiếp tục.
Ông nhấn mạnh, JCPOA là một văn kiện đa phương đạt được sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao và được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc, Yukiya Amano khẳng định các điều tra viên IAEA đang làm việc thuận lợi tại Iran.
Phát biểu với báo giới bên lề một hội nghị về điện hạt nhân tổ chức tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Amano cho biết các nhà điều tra IAEA đang thực hiện trách nhiệm tại Iran mà "không gặp vấn đề nào."
Trước đó, ngày 29/10, trong cuộc họp báo tại thủ đô Tehran, ông Amano xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
JCPOA được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
IAEA là cơ quan phụ trách giám sát việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran theo JCPOA. Tính đến nay, cơ quan này 8 lần ra báo cáo, trong đó đều xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân quốc tế này.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa Washington và Tehran. Ngày 13/10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ JCPOA.
Trong bài phát biểu về chiến lược mới của chính quyền Mỹ đối với Iran, ông Trump tiếp tục nhắc lại quan điểm của ông coi JCPOA được ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama là "một trong những thỏa thuận tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký," đồng thời chỉ trích Iran "nhiều lần vi phạm thỏa thuận này" và "không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận."
Như vậy, trong 60 ngày kể từ thời điểm ông Trump đưa ra tuyên bố trên, Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ phải quyết định liệu có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận, vốn đã được Tehran yêu cầu dỡ bỏ để đổi lại việc hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân./.