Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Chi nhánh Công ty XNK Intimex tại TP.HCM thành lập vào năm 1995 trực thuộc Công ty XNK Intimex (Bộ Công Thương).
Công ty Cổ phần XNK Intimex tại TPHCM đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/07/2006. Năm 2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex.
Chủ tịch HĐQT Intimex Group là ông Đỗ Hà Nam. Ông cũng đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA).
Khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ, bao gồm 91 nhân sự, vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng, hiện nay, Intimex đã trở thành một Tập đoàn lớn mạnh, là một trong những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam ở các lĩnh vực: chế biến, xuất khẩu nông sản (cà phê, hồ tiêu, gạo, hạt điều…); nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, sắt thép; kinh doanh siêu thị và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… Trong đó, kinh doanh nông sản là thế mạnh của Tập đoàn với cà phê và gạo là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Theo giới thiệu trên website, mạng lưới hoạt động của Intimex Group trải dài từ Bắc đến Nam với 6 chi nhánh và 14 đơn vị thành viên mà Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối, trong đó có 1 đơn vị thành viên được thành lập tại nước ngoài. Trong lĩnh vực chế biến, Intimex Group sở hữu 11 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu với tổng công suất đạt 570.000 tấn/năm.
Ngoài ra, tập đoàn còn có 1 nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu tại Bình Dương công suất 5.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp với công suất 150.000 tấn/năm; 3 phân xưởng chế biến điều xuất khẩu ở Tây Ninh và Bình Dương; 5 Trung tâm Thương mại tại Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng; 1 nhà máy sản xuất bê tông công suất 1,3 triệu m3/năm và 1 mỏ khai thác đá tại Đà Nẵng công suất 180.000 m3/năm; cùng với 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại Lâm Đồng công suất 30 triệu viên/năm.
Thị trường hoạt động kinh doanh của Tập đoàn mở rộng ra hầu hết các thị trường lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Châu Âu, Mỹ, Tây Á, Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN…
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn khoảng 1,2 tỷ USD. Trong năm, sản lượng xuất khẩu mặt hàng gạo của công ty tăng 28% đạt 813.153 tấn, tiếp tục đứng số 1 cả nước về xuất khẩu gạo năm 2022 với tỷ trọng thị phần so với cả nước 11,26%.
Sản lượng xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm nhẹ 1% đạt 404.533 tấn, tỷ trọng thị phần so với cả nước 23,5%, giữ vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến cà phê hòa tan hoạt động ổn định, sản xuất đã đạt công suất 3.500 tấn/năm, lượng xuất khẩu đạt gần 800 tấn và bước đầu tham gia sâu vào chuỗi giá trị cà phê thế giới.
Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu và hạt điều lần lượt đạt 5.137 tấn và 3.156 tấn.
Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu của Intimex Group năm 2022 đạt 50.867 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 23.385 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng và doanh thu của các đơn vị thành viên đạt 27.482 tỷ đồng, chiếm 54% tổng doanh thu toàn tập đoàn, lợi nhuận trước thuế các công ty con đạt 86 tỷ đồng.
Nhìn chung, tổng doanh thu của Tập đoàn từ năm 2012 đến nay đang nằm trong xu hướng tăng và tăng mạnh trong 2 năm gần đây với tổng doanh thu năm 2021 tăng 27% và năm 2022 tăng 13%.
Tháng 6/2023 mới đây, Intimex Group vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Vốn điều lệ của Tập đoàn tăng lên 528,56 tỷ đồng. Từ năm 2014 tới nay, Intimex Group duy trì trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ dao động từ 5% - 14% mỗi năm.
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, Intimex Group đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 1,37 tỷ USD, tăng 12% và tổng doanh thu 59.227 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2022. Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản truyền thống là thế mạnh của Tập đoàn như cà phê, gạo, hồ tiêu và hạt điều. Trong đó, chú trọng phát triển 3 ngành hàng cà phê nhân, gạo và cà phê hòa tan.