Theo hãng tin CNN, vào ngày 6/12 vừa qua, các nhà lập pháp Indonesia đã nhất trí thông qua một bộ luật hình sự mới liên quan đến vấn đề tình dục ngoài hôn nhân.
Theo đó, mọi hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, sống thử, kể cả "ăn cơm trước kẻng" (tức mang thai trước khi cưới), cũng sẽ bị phạt tù tại Indonesia. Hình phạt có thể lên đến 1 năm tù giam, tùy mức độ vụ việc.
Mọi hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ bị phạt tù tại Indonesia theo bộ luật hình sự mới - Ảnh minh họa.
Điều đáng nói, đạo luật này áp dụng cho cả khách du lịch, những người không mang quốc tịch Indonesia nhưng có hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở xứ vạn đảo.
Nhà lập pháp Bambang Wuryanto, người lãnh đạo ủy ban quốc hội phụ trách sửa đổi bộ luật có từ thời thuộc địa cho biết: "Tất cả đã đồng ý phê chuẩn thay đổi dự thảo thành luật. Bộ luật cũ thuộc về di sản của Hà Lan… và không còn phù hợp nữa".
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Indonesia Edward Omar Sharif Hiariej nói: “Chúng tôi tự hào vì có bộ luật hình sự phù hợp với những giá trị của Indonesia”.
Người nước ngoài và khách du lịch cũng bị ảnh hưởng
Luật này dự kiến sẽ gây rắc rối cho cộng đồng các doanh nghiệp ở Indonesia, đặc biệt là những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tiếp đón và phục vụ khách du lịch và công dân nước ngoài.
Ví dụ, đảo Bali phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ khách du lịch và vẫn đang nỗ lực phục hồi sau thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.
Putu Winastra, chủ tịch Hiệp hội các công ty lữ hành và du lịch Indonesia (ASITA) ở Bali, nói với CNN rằng luật này sẽ “khiến người nước ngoài phải suy nghĩ kỹ” về việc đến du lịch ở Indonesia.
“Từ quan điểm của chúng tôi với tư cách là những người tham gia phát triển ngành du lịch, luật này sẽ rất rắc rối”, ông Putu, người đã đặt câu hỏi về cách thức quản lý luật, bày tỏ quan điểm. “Chúng ta có nên hỏi (những cặp vợ chồng chưa kết hôn ở nước ngoài) xem họ đã kết hôn hay chưa? Các cặp đôi đến đây du lịch có phải chứng minh rằng họ đã kết hôn không?”.
Ông Putu cho biết luật này có thể “phản tác dụng” đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm lôi kéo khách du lịch quay trở lại đảo Bali.
Ảnh minh họa
Ông Maulana Yusran, phó giám đốc hội đồng quản trị ngành du lịch Indonesia, cũng bày tỏ quan điểm cho rằng đạo luật mới này “hoàn toàn phản tác dụng” và được đưa ra đúng lúc Indonesia đang cố gắng phục hồi kinh tế, phát triển du lịch sau đại dịch.
Ông nói: "Nếu những luật này thực sự được thực hiện muộn hơn, khách du lịch có thể (bị) bỏ tù và điều này sẽ gây hại cho ngành du lịch".
Ông Taufik Basari, một nhà lập pháp của đảng NasDem, giải thích về đạo luật rằng nếu một khách du lịch đến thăm Bali, chẳng hạn, có quan hệ tình dục đồng thuận với một công dân Indonesia. Sau đó, cha mẹ hoặc con cái của người đó báo cáo với cảnh sát, thì vị khách du lịch ấy có thể bị bắt.
“Tôi biết điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch, đó là lý do tại sao chúng ta nên giải thích với công chúng rằng, việc trình báo với cảnh sát chỉ nên giới hạn ở những điều mà gia đình cảm thấy thực sự quan trọng, cần thiết”, ông nói.
Ảnh minh họa.
Không chỉ dư luận ở Indonesia xôn xao với đạo luật này mà nó còn thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Theo tờ The Guardian, một vài tờ báo ở Úc đã gọi luật này là “Lệnh cấm kỳ quặc ở Bali” vì luật này sẽ áp dụng cho người Indonesia và người nước ngoài đến thăm.
Mỗi năm, có tới hơn 1 triệu người Úc đến thăm Indonesia, trong đó nhiều người đến Bali để tập yoga, lướt sóng và tiệc tùng thâu đêm trên bãi biển.
Đại sứ Mỹ tại Indonesia, ông Sung Kim, cho rằng luật này có thể làm giảm lợi ích kinh doanh quốc tế. Ông nói: “Việc hình sự hóa các quyết định cá nhân của các cá nhân sẽ tác động lớn đến quyết định của nhiều công ty khi cân nhắc có nên đầu tư vào Indonesia hay không”.
Nguồn: CNN, The Guardian