Indonesia liên tiếp tập trận "khủng" gần biển Đông

Phạm Nghĩa |

Lần thứ hai trong vòng 7 tháng, Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo quan sát cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh quần đảo Natuna, nơi tàu thuyền Trung Quốc hay lảng vảng.

Sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh "Một vành đai, một con đường" tại Trung Quốc ngày 15-5, ông Widodo hôm 19-5 quan sát cuộc tập trận của quân đội Indonesia, 1 ngày trước chuyến thăm dự kiến tới Ả Rập Saudi.

Ông Widodo đi cùng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), tướng Gatot Nurmantyo, Tư lệnh không quân Hadi Tjahjanto, Tư lệnh hải quân Ade Supandi, Tư lệnh lục quân Mulyono, Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Nội vụ Tjahjo Kumolo, Thư ký Nội các Pramono Anung và 23 thống đốc tỉnh, đảo.

Khoảng 5.900 binh sĩ thuộc Đơn vị phản ứng nhanh (QRT) của TNI đã tham gia tập trận. Ngoài ra còn có các khí tài như máy bay chiến đấu Sukhoi (Nga chế tạo) và F-16 (Mỹ chế tạo), xe tăng, tàu chiến….

Cuộc tập trận được đánh giá có quy mô lớn hơn các cuộc tập trận Angkasa Yudha của không quân Indonesia, tổ chức tại quần đảo Natuna hồi tháng 10 năm ngoái với 2.000 quân nhân tham dự.

Ông Widodo mô tả cuộc tập trận hôm 19-5 là sự chuẩn bị của TNI nhằm duy trì Nhà nước Cộng hòa Indonesia (NKRI). Chứng kiến cuộc diễu hành của lục quân, hải quân và không quân trên đảo chính Bunguran của quần đảo Natuna, ông Widodo nói: "Dù trên đất liền, trên không hay trên biển, quân đội của chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng khi đất nước cần".

Cuộc tập trận nhấn mạnh chính sách của nhà lãnh đạo Indonesia trong việc thúc đẩy sự hiện diện của nước này tại các đường ranh giới trên biển, mục đích bảo vệ chủ quyền hàng hải trước nạn buôn lậu ma túy và đánh bắt cá bất hợp pháp.

Indonesia liên tiếp tập trận khủng gần biển Đông - Ảnh 1.

Ảnh: STRAITS TIMES

Trong một diễn biến liên quan tới biển Đông, Trung Quốc vừa được cho là triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 lên đảo Hải Nam, phía Bắc biển Đông.

Công ty về hình ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel cho biết các bức ảnh chụp ngày 8-5 cho thấy 2 bệ phóng HQ-9, 1 hệ thống radar và 3 tấm đặt bệ phóng được chuyển tới trung tâm điều khiển đặt tại một ngọn đồi phía Nam đảo Hải Nam. Trung tâm này, theo ISI, có thể được sử dụng để triển khai radar cảnh báo và phát hiện hỏa lực sớm.

Trước đó, hình ảnh chụp ngày 15-3 cho thấy hệ thống radar và các bệ phóng tên lửa chưa xuất hiện. Bắc Kinh cũng từng đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Cùng với động thái triển khai tên lửa trên đảo Hải Nam, Trung Quốc được cho là muốn thiết lập vùng cấm bay tại tuyến đường biển lớn nhất khu vực này.

Các chuyên gia của ISI dự báo sắp tới, Trung Quốc sẽ đưa tên lửa ra các đảo nhân tạo xây phi pháp còn lại ở biển Đông. Thêm vào đó, ISI cho biết Bắc Kinh cũng vừa lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm, phía Nam đảo Hải Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại