Tình trạng cảnh báo của thủ đô Jakarta đã được đưa lên mức cao nhất. Cảnh sát trưởng Jakarta, Tướng Idham Azis nói: "Sau vụ đánh bom tại ba nhà thờ ở Surabaya, tất cả các khu vực trong thẩm quyền của Cảnh sát Jakarta đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất cho đến khi có thông báo mới."
Cảnh sát tỉnh Đông Java cũng nâng mức báo động an ninh lên mức 1, đồng thời kêu gọi tất cả các nhà thờ tại Surabaya ngừng hoạt động cho tới khi tình hình được thông báo an toàn.
Tại quần đảo Riau, khu vực xa xôi nhất của Indonesia, tình trạng cảnh báo an ninh cũng được nâng lên mức cao nhất. Cảnh sát trưởng tỉnh Riau, Tướng Didid Widjanardi cho biết: An ninh đã được thắt chặt tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, đặc biệt là trong các nhà thờ.
Trong khi đó, Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia, nơi đã từng hứng chịu các cuộc khủng bố đẫm máu cũng lập tức được siết chặt an ninh ngay trong ngày xảy ra các vụ đánh bom liều chết tại Surabaya.
Người phát ngôn của Cảnh sát Bali, Hengky Widjaja cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường tuần tra và thắt chặt an ninh trên toàn khu vực Bali và tất cả các đồn cảnh sát.”
Cảnh sát Bali cũng kêu gọi người dân trên đảo giữ bình tĩnh và nâng cao cảnh giác, giảm bớt các hoạt động ở các khu vực công cộng trong những ngày tới và thông báo ngay cho cảnh sát gần nhất nếu thấy các hoạt động đáng ngờ.
Bali cũng tăng cường kiểm soát và siết chặt tại các cửa ngõ vào hòn đảo này, trong đó có sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai, cảng Gilimanuk nối Bali với đảo Java, cảng Padangbai Port nối Bali với đảo Lombok và các cảng biển khác ở khu vực Bali. Cảnh sát Bali cũng đặc biệt lưu ý an ninh tại các khu du lịch, các địa điểm tôn giáo các lãnh sự quán tại Bali./.