Sau cuộc tiến công của Mỹ và liên quân vào Syria hôm 24/4, Moscow tuyên bố công khai sẵn sàng cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria. Tuy nhiên, ngay sau chuyến thăm của thủ tướng Israel tới Nga, tuyên bố trên đã được rút lại. Điều này có nghĩa là Moskva và Tel Aviv đã đạt được một thỏa thuận nhất định về vấn đề này.
Rút lại lời cam kết
"Việc cung cấp các tổ hợp S-300 của Nga chưa bao giờ được công bố như vậy", Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (11/5).
Trước đó, Phụ tá Tổng thống Nga về hợp tác quân sự - kỹ thuật, ông Vladimir Kozhin tuyên bố rằng: Các cuộc đàm phán về việc cung cấp cho Syria các hệ thống S-300 đang được tiến hành; theo Kozhin, Damascus sẽ "có thứ mà họ cần".
Ông Peskov nhấn mạnh, phát biểu của Kozhin không cập nhật chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bài phát biểu được ghi lại trước khi Thủ tướng Israel đến Moscow.
Bộ trưởng tình báo Israel Katz cũng đã công khai đánh giá tuyên bố của Kozhin: "Israel đánh giá đây là một biểu hiện của sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại giữa các quốc gia; cũng như tôn trọng nguyên tắc cân nhắc lẫn nhau về lợi ích".
Đồng thời, Katz cảnh báo rằng Israel sẽ tiếp tục hành động chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan và lực lượng Iran ở Syria.
Trò chơi chính trị
Ảnh: Marc Israel Sellem/Pool/Flash90
Thủ tướng Netanyahu, vào đêm trước chuyến đi của ông đến thủ đô Moskva để dự Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng (9/5), tiết lộ rằng cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ rất đặc biệt, ông hy vọng sẽ thuyết phục được Tổng thống Nga hiểu và ngăn chặn các hành động "xâm lược của Iran".
Chính các căn cứ quân sự của Iran tại Syria đã được Israel tuyên bố là mục tiêu của lực lượng không quân Israel gây ra vào đêm 9 rạng sáng ngày 10/05. Tuy nhiên, các quân đội Chính phủ Syria cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Một trò chơi chính trị phức tạp đang diễn ra trên nền tảng của sự leo thang mạnh mẽ trong khu vực. Tại Iran, họ đã đe dọa xóa sổ Tel Aviv; trong khi đó, Israel đã triển khai các hệ thống phòng không trên cao nguyên Golan (phần lãnh thổ thuộc về Syria, bị Israel chiếm trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967), sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công từ Iran và Syria.
Chính vì thông tin Syria sắp sở hữu tên lửa S-300 mà có hàng loạt tuyên bố mang tính cá nhân của các nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman, đã yêu cầu IDF phải phá hủy ngay các hệ thống S-300, khi nó được chuyển giao cho chính quyền Syria.
Nhưng thực sự đã có một thỏa thuận về việc Nga cung cấp cho Syria các hệ thống tên lửa S-300 chưa, đây vẫn là một câu hỏi?
Hệ thống phòng không S-300.
Chiến lược của Moskva
Vào tháng Tư vừa qua, Riyad Haddad, Đại sứ Syria tại Moskva đã tuyên bố với hãng tin Nga Interfax rằng Nga đã sẵn sàng cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria. Tuy nhiên nguồn tin ngoại giao quân sự của Nga đã phủ nhận tuyên bố này của Đại sứ Syria.
Trong quá khứ, chính quyền Bashar Assad hồi năm 2013 tuyên bố các hệ thống S-300 đã được chuyển sang Syria; nhưng nguồn tin đó không được xác nhận.
Sau cuộc tiến công bằng tên lửa của Mỹ và liên quân vào lãnh thổ Syria vào ngày 24/4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, Nga không còn nghĩa vụ nào nữa.
Lúc này Moskva đã đề cập về khả năng bàn giao các hệ thống tên lửa S-300 cho Syria, để chính quyền Syria có thể tự vệ trước các cuộc tiến công tương tự trong tương lai; đồng thời Thượng tướng Sergey Rudskoy, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, thông báo rằng Nga có thể giao S-300 cho quân đội chính phủ Syria và một số nước khác.
Rõ ràng, những tuyên bố trên là yếu tố gây áp lực chính trị đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực, nhất là Israel. Có thể giả thiết rằng, chính quyền Israel đã kiên quyết ngăn cản việc Nga cung cấp các tổ hợp phòng không tầm xa S-300 cho Syria, thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu đến Moskva.
"Israel trước đó đã yêu cầu chúng tôi không cung cấp S-300 cho Syria, bởi các hệ thống này có thể gây nguy hại cho lực lượng không quân Israel. Hiện nay Nga có mối quan hệ tốt đẹp với Israel, những mối quan hệ này không có dưới thời Liên Xô", Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống Nga tuyên bố với báo giới sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel và Tổng thống Nga.
Theo quan điểm của nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin, việc Nga cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria lúc này không khác gì hành động "đổ dầu vào lửa".
Hiện nay Damascus là đồng minh của Nga, việc giao các hệ thống phòng không hiện đại như vậy có thể được coi là một sự đảm bảo chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào; tuy nhiên điều này có thể dẫn đến việc Syria lợi dụng có S-300 để "răn đe" các quốc gia khác.
"Kết quả đó có thể dẫn đến "sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh quy mô lớn trong tam giác Israel - Syria - Iran. Để tránh xảy ra điều này, có thể Moskva quyết định không cung cấp S-300 cho Syria nữa," chuyên gia quân sự Litovkin giả định.
Nhưng hiện nay, Moskva đang ở trong một vị trí vững chắc, Israel không thể gây sức ép bắt Nga phải thực hiện yêu cầu của mình. Có thể Moskva sẽ cùng với Tel Aviv có những thỏa thuận khác.
"Moskva có thể yêu cầu Israel không tấn công vào vị trí của quân đội chính phủ Syria", Litovkin nhận định.
Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị Nga Sergei Markov cũng không loại trừ kết quả của một thỏa thuận ngầm giữa Nga và Israel.
"Thực tế là có một thỏa thuận ngầm giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện quân sự và với Israel về hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria; điều này là hiển nhiên", Markov nói với tờ Vzglyad.
Markov giải thích rằng Nga và Israel đều có lợi ích chung tại Syria, Nga muốn sự hiện diện quân sự lâu dài tại đây, còn Israel không muốn Syria biến thành tiền đồn của Iran trong việc chống lại nhà nước Do Thái.
Markov nhấn mạnh: "Là một nước lớn có trách nhiệm, Nga sẽ không phản bội người Iran", tuy nhiên Nga cũng không muốn ảnh hưởng của Tehran ở Syria trở nên đặc biệt và phổ biến./.
Nga phô diễn sức mạnh S-300