Israel tìm đến Nga trước khi Mỹ đưa ra quyết định về thỏa thuận hạt nhân
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Tư tuần này (9/5) trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran và việc Mỹ dự kiến rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo một tuyên bố ngắn từ văn phòng của Thủ tướng Netanyahu hôm thứ Bảy (5/5) cho biết: Thủ tướng Israel sẽ tới Moskva để đàm phán về "các vấn đề khu vực" với Tổng thống Nga Putin và tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít 9/5.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran đang ngày càng leo thang, lực lượng liên quân đứng đầu là Mỹ, vẫn có âm mưu tiếp tục tấn công vào Syria.
Thủ tướng Netanyahu đã thường xuyên trao đổi tình hình với Tổng thống Putin khi Israel muốn Moskva sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn những động thái của Iran nhằm lan truyền ảnh hưởng của họ vào Syria và Lebanon, nơi Israel coi là "phên dậu" phía Bắc của họ.
Cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Israel sẽ diễn ra trước thềm hạn chót ngày 12/5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quyết định liệu Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (JCPOA ký năm 2015) với Iran hay không.
Giữa lúc tình hình về vấn đề hạt nhân của Iran đang là chủ đề nóng, hôm 30/4 vừa qua, cơ quan tình báo Mossad của Israel lại tiết lộ họ đã đánh cắp được những tài liệu về chương trình phát triển hạt nhân của Iran, chứng minh tham vọng của Iran trong chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân. Israel đã mời Nga, cùng với các quốc gia khác kiểm tra tài liệu để đảm bảo tính khách quan.
Trái với mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây luôn căng thẳng, mối quan hệ giữa Nga và Israel luôn giữ được sự thăng bằng cần thiết. Hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước thường xuyên có những cuộc trao đổi về tình hình khu vực qua các cuộc điện đàm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong sự kiện kỷ niệm Ngày tưởng nhớ nạn nhân Do thái bị Đức Quốc xã diệt chủng trong Thế chiến 2 tại Moskva ngày 29/1/2018. Ảnh: Reuters.
Đầu tháng Tư vừa qua, Tổng thống Putin đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, trong đó ông nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền Syria, và kêu gọi Israel kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình bất ổn và đe dọa an ninh ở đất nước này", hãng tin Sputnik của Nga đưa tin.
Theo Thủ tướng Netanyahu, lập trường nhất quán của Israel đó là tiếp tục chống lại những nỗ lực của Iran nhằm biến Syria thành tiền đồn chống lại Israel.
Văn phòng Thủ tướng Israel tái khẳng định: "Israel sẽ không cho phép Iran tiếp tục hiện diện quân sự tại Syria".
Căng thẳng Israel-Iran ngày càng leo thang
Vấn đề mà Thủ tướng Netanyahu đề cập đó chính là việc căng thẳng giữa Syria - Iran - Israel, khi lực lượng không quân Israel trong thời gian qua đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào sân bay T-4 ở Homs, nơi Israel nghi ngờ Iran đang xây dựng một căn cứ không quân riêng tại đây để làm bàn đạp tấn công các mục tiêu ở Israel.
Thủ tướng Netanyahu đã khẳng định rằng Israel sẽ tấn công bất cứ ai có ý định gây hại cho nhà nước Do Thái. Động thái này ám chỉ cuộc tấn công của không lực Israel nhằm vào sân bay T-4 hôm 9/4 vừa qua, khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 7 người Iran.
Hình ảnh căn cứ không quân T-4 ở miền trung Syria sau một vụ tiến công của lực lượng không quân Israel hôm 9/4 vừa qua.
Israel thường xuyên bày tỏ sự quan ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Iran tại Syria, đồng thời lo ngại về việc Syria chấp nhận cho các lực lượng thù địch với Israel như Hezbollah, Hamas và các nhóm Hồi giáo thánh chiến khác bám trụ lâu dài trên lãnh thổ của mình.
Với chủ trương giữ im lặng về các cuộc tấn công bên ngoài biên giới của mình, Israel đã từ chối bình luận trực tiếp về vụ tấn công hôm 9/4, mặc dù bị Iran và Nga cáo buộc.
Kênh truyền hình Hadashot của Israel trích dẫn từ những nguồn tin quân sự nước ngoài cho biết mục tiêu của cuộc tấn công vào sân bay T-4 của Syria không phải là một lô hàng tên lửa, mà là một "hệ thống vũ khí tiên tiến" có thể đe dọa đến sự an toàn của không quân Israel trên bầu trời Lebanon và Syria.
Hành động khiến căng thẳng giữa hai quốc gia này leo thang bắt đầu từ việc Iran được cho là đã điều máy bay không người lái (UAV) của mình từ sân bay T-4 của Syria và tiến hành xâm nhập không phận Israel hồi đầu tháng 2 vừa qua. Sau đó, lấy cớ tự vệ, lực lượng không quân Israel đã nhiều lần xuất kích tấn công nhằm vào căn cứ này.
Sự xâm nhập đó đã gây ra một loạt các vụ đụng độ trên không. Một chiếc F-16I của Israel đã bị tên lửa phòng không của Syria bắn rơi, 2 phi công đã kịp nhảy dù thoát thân; sau đó không quân Israel đã tiến hành trả đũa, đỉnh điểm là vụ tấn công ngày 9/4 khiến 7 người Iran thiệt mạng, trong đó có một quan chức cấp cao phụ trách chương trình máy UAV của Iran tại Syria.
Nhà phân tích Ali Vaez - Giám đốc Dự án Iran tại Tổ chức ICG (Bỉ) cho rằng, việc Iran giữ thái độ kiềm chế trước một Israel hiếu chiến, chính là bởi Iran đang lo sợ những hành động trả đũa Israel lúc này có thể đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump nghiêng về phía quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Vaez nhận định: Quyết định tấn công của Israel vào các lực lượng Iran ở Syria trong thời gian qua có thể nhằm mục đích khiêu khích Iran trả đũa các động thái này. "Chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn và thực tế là sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân [Iran] sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình vốn đang căng thẳng. Tất cả các bên sẽ "tháo găng tay" xung trận".
Ông Netanyahu tiết lộ số tài liệu tình báo về chương trình hạt nhân Iran.