Trước đó hai ngày, Jakarta đã phản đối sự hiện diện của một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong vùng lãnh hải nước này.
Khi đó, Indonesia cáo buộc việc tàu của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi bờ biển phía Bắc đảo Natuna là hành động "vi phạm chủ quyền".
Giới chức Indonesia đã "phản đối mạnh mẽ" và triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối vụ việc.
Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 31-12-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận.
Người phát ngôn Trung Quốc còn tuyên bố cả Trung Quốc và Indonesia đều có hoạt động đánh bắt cá "bình thường" tại đây.
Đáp trả mạnh mẽ, Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 1-1-2020 kêu gọi Trung Quốc đưa ra lời giải thích về "cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng" liên quan đến tuyên bố của nước này về vùng đặc quyền kinh tế nói trên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: "Yêu sách của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở cho rằng ngư dân của họ từ lâu đã hoạt động ở đây là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận".
Jakarta cũng nhắc lại lập luận của Trung Quốc bị bác bỏ trong vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài thường trực hồi năm 2016.
Bộ Ngoại giao Indonesia tái khẳng định lập trường Indonesia không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.
Dù vậy, hai nước này từng nhiều lần xung đột về quyền đánh bắt cá xung quanh quần đảo Natuna. Indonesia cũng mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực này và bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia vẫn chưa đưa ra bình luận.