IMF: Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh

Hoàng Phương |

Kinh tế Việt Nam ước tính tăng trưởng 2,7% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 trước khi hồi phục lên mức 7% vào năm tới.

Đó là dự báo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hôm 11-5. Theo Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud, các biện pháp nghiêm ngặt được triển khai để ngăn chặn virus lây lan, cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu nội địa sụt giảm là những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sụt giảm trong năm nay, so với mức trung bình khoảng 7% trong 2 năm 2018 và 2019.

"Một số lĩnh vực dự kiến bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, vận tải và lưu trú" - ông Painchaud nhận định với hãng tin Reuters. Tuy nhiên, ông cũng cho biết kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2021 khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, cùng với sự hỗ trợ từ việc nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ, những nền tảng vững chắc của kinh tế vĩ mô và sự hồi phục dần của nhu cầu từ các thị trường bên ngoài.

Đánh giá trên được đưa ra không lâu sau khi bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF, tỏ ra bi quan về viễn cảnh kinh tế thế giới năm nay. Tại một sự kiện trực tuyến của Viện Đại học châu Âu vào cuối tuần rồi, bà Georgieva cho biết dữ liệu kinh tế gần đây về nhiều quốc gia thậm chí còn thấp hơn mức dự báo tiêu cực mà IMF đưa ra hồi tháng 4, theo đó kinh tế toàn cầu giảm 3% trong năm 2020 trước khi phục hồi phần nào trong năm 2021.

Tuy nhiên, IMF không quên cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn, tùy thuộc diễn biến của dịch Covid-19. Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo Mỹ và Trung Quốc rằng thương chiến giữa họ nếu bùng phát trở lại có thể làm suy yếu đà hồi phục từ đại dịch Covid-19.

Mỹ đang trúng đòn nặng nề bởi động thái đóng cửa trên diện rộng. Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo áp thêm thuế để trừng phạt Trung Quốc vì dịch Covid-19 cũng như dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Bắc Kinh không thực hiện các cam kết trong đó. Quan hệ căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng góp phần kéo đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ trong năm ngoái xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 (khoảng 5 tỉ USD). Một yếu tố khác là các cơ quan quản lý ở Mỹ tăng cường "soi" đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại Bắc Kinh tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Washington.

Thực trạng kinh tế toàn cầu ảm đạm do đại dịch Covid-19, cùng với nỗi lo về làn sóng nhiễm mới tại một số nước và nguồn cung thừa mứa là những nguyên nhân khiến giá dầu có lúc giảm hơn 3% hôm 11-5. Thông tin tích cực hiếm hoi là các thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu ngập sắc xanh khi ngày càng có nhiều quốc gia tái khởi động nền kinh tế.

Reuters nhận định các nhà đầu tư quyết duy trì sự lạc quan ngay cả khi những dữ liệu kinh tế mới nhất vẽ lên một bức tranh khá u ám, nhất là đối với kinh tế Mỹ. Theo hãng tin Reuters hôm 10-5, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu xem xét thêm các gói cứu trợ sau khi cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp có thể đạt mức 20% trong tháng 5 (đã tăng lên mức 14,7% vào tháng rồi). Trong khi đó, chuyên gia Mark Zandi của Công ty Dịch vụ tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) cảnh báo trên đài CNBC: "Nếu Mỹ có làn sóng Covid-19 thứ hai, suy thoái sẽ xảy ra. Chúng ta có thể không đóng cửa lại nền kinh tế nhưng chắc chắn tình cảnh này sẽ khiến người dân hoảng sợ, lo lắng và đè nặng lên nền kinh tế".

Mở cửa thận trọng

Giới chức Hàn Quốc hôm 11-5 nỗ lực tìm kiếm hàng ngàn người nghi nghiễm Covid-19 từ các "ổ dịch" mới tại thủ đô Seoul.

Từng được ca ngợi nhờ phản ứng nhanh chóng khiến tỉ lệ lây nhiễm giảm đáng kể nhưng giờ đây, Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ các hộp đêm và quán bar ở Seoul. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm 11-5 thông báo thêm 35 ca nhiễm mới sau 24 giờ, mức tăng kỷ lục trong hơn 1 tháng qua. Diễn biến phức tạp này xảy ra giữa lúc chính phủ Hàn Quốc đang nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, tái mở cửa trường học và doanh nghiệp.

Giới chức Trung Quốc cũng đang ban bố các biện pháp hạn chế mới sau khi TP Thư Lan của tỉnh Cát Lâm thông báo thêm 11 ca nhiễm và đáng lo ngại hơn, TP Vũ Hán - nơi dịch bệnh khởi phát - thông báo thêm 5 ca nhiễm, trong đó không có bất cứ ca nào từ nước ngoài trở về.

Theo đài CNN, những diễn biến mới tại Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy sự thận trọng trong việc tái mở cửa lúc này, kể cả khi tốc độ lây lan của Covid-19 đã chậm lại đáng kể và rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng được khống chế. Với chưa đầy 2.000 ca nhiễm hồi đầu tháng 4 nhưng đã tăng lên hơn 23.000 ca ở thời điểm hiện tại, Singapore cũng là một minh chứng cho thấy những nguy cơ tiềm tàng từ việc nới lỏng lệnh phong tỏa quá sớm và lầm tưởng rằng cuộc chiến chống Covid-19 đã kết thúc trong khi nó chỉ mới bắt đầu.

Đó cũng chính là điều mà chính phủ nhiều nước bên ngoài châu Á, bao gồm Anh, Pháp, New Zealand, Đức và Đan Mạch, lưu ý khi công bố kế hoạch tái mở cửa thận trọng, theo từng giai đoạn để xoa dịu sức ép cho nền kinh tế.

Chẳng hạn, tại Pháp - quốc gia có số ca tử vong cao thứ 5 thế giới, doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ ngày 11-5 nếu bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch. Dù vậy, người dân chỉ được phép di chuyển tối đa 100 km, ngoại trừ những trường hợp có lý do nghề nghiệp, tang lễ hay chăm sóc người bệnh. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cùng ngày nhấn mạnh lệnh nới lỏng phong tỏa có thể bị đảo ngược nếu virus bùng phát trở lại.

Cao Lực

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại