Ba mươi chưa phải là Tết
"Ba mươi chưa phải là Tết".
Đó là lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói sau khi một ổ dịch COVID-19 mới xuất hiện ở thủ đô Seoul, làm dấy lên nỗi lo ngại về khả năng bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở quốc gia Đông Bắc Á này.
Hàn Quốc là một trong số những quốc gia đầu tiên xử lý dịch COVID-19, và có vẻ đang trên lộ trình nới lỏng các quy định chống dịch, sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và theo dõi cẩn trọng. Tuy nhiên, hiện tại ổ dịch mới có vẻ đã đặt dấu chấm hết cho quá trình này trong khi ông Moon cảnh báo người dân rằng:
"Chúng ta không bao giờ được lơ là cảnh giác liên quan tới công tác chống dịch".
Tương tự như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang khôi phục các biện pháp giới hạn sau khi 2 thành phố ở nước này ghi nhận các ca nhiễm mới.
Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc, đã được đưa vào diện phong tỏa, sau khi ghi nhận 11 ca bệnh mới. Cát Lâm có biên giới với cả Nga lẫn Triều Tiên, và trước đó đã tồn tại lo ngại về nguy cơ các ca bệnh ngoại nhập gây bùng dịch.
Đáng ngại hơn là ổ dịch mới ở Vũ Hán, thành phố miền Trung của Trung Quốc, nơi những ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện hồi cuối năm ngoái. Vũ Hán là thành phố đầu tiên trên thế giới áp đặt phong tỏa và chỉ mới quay trở lại cuộc sống bình thường hồi cuối tháng trước.
Hôm nay, 11/5, quan chức Vũ Hán cho biết, có 5 ca bệnh mới được ghi nhận ở thành phố, đều là những ca nhiễm trong cộng đồng.
Mặc dù đây là khác biệt lớn về số liệu so với thời điểm ban đầu của cuộc khủng hoảng, hoặc số liệu hiện đang được ghi nhận hàng ngày ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, nhưng khả năng lây nhiễm "thầm lặng" của loại virus này - đặc biệt là ở 1 thành phố được giám sát và hạn chế chặt chẽ như Vũ Hán - sẽ dẫn tới những lo ngại về tính khả thi của quá trình mở cửa trở lại.
Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc mới đây, hối thúc người dân "duy trì cảnh giác và tăng cường bảo vệ bản thân nhằm chống lại virus". Ông Mi cũng nói thêm rằng các ổ dịch mới là lời nhắc nhở tránh các buổi tụ tập xã hội và phải tìm tới lời khuyên về y tế hoặc xét nghiệm nếu bất cứ ai có triệu chứng nhiễm virus.
Tia hy vọng từ châu Á
Trước khi có các ca bệnh mới, số trường hợp nhiễm mới ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc đã giảm xuống tớ mức "nhỏ giọt", và tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng có vẻ dừng lại. Hàn Quốc được khen ngợi là một trong những nước có cách ứng phó tốt nhất trên toàn thế giới, một phần nhờ diện tích đất nước tương đối nhỏ và các đường biên giới dễ kiểm soát.
Các ca bệnh mới nhất có thể sẽ được khống chế nhưng việc hai quốc gia có vẻ đã kiểm soát được tình hình đang ghi nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng là điều đáng lo ngại.
Các quan sát viên chỉ cần nhìn vào Singapore - quốc gia có ít hơn 2.000 ca bệnh vào đầu tháng 4 mà giờ đã vượt mốc 23.000 - là thấy nguy cơ tiềm tàng khi nới lỏng quá sớm và tưởng rằng phần thắng đã thuộc về mình trong khi trận chiến chỉ mới bắt đầu.
Singapore đang đẩy mạnh theo dõi các đầu mối tiếp xúc, tăng cường hạn chế di chuyển và thậm chí còn triển khai chó robot để khuyến khích giãn các xã hội trong khi nỗ lực khống chế dịch bệnh.
Các trường hợp lây nhiễm mới ở Trung Quốc và Hàn Quốc có nguy cơ làm nảy sinh phản ứng tiêu cực, kiểu như: Nếu những nước có vẻ đã kiếm soát được dịch còn không thể khống chế được thì một nước với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày có thể hy vọng gì?
Đây là một quan điểm sai lầm - các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc đã đối mặt với tình trạng dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới vào tháng 2 nhưng đã tìm cách khống chế được tình hình. Việc họ chứng kiến các ca bệnh mới là bài học về rủi ro khi nới lỏng sớm, chứ không phải lý do để từ bỏ hoàn toàn.
Không phải thông điệp nào từ châu Á cũng đều ảm đạm.
Thái Lan và Việt Nam đang bàn thảo về khả năng thiết lập hành lang du lịch. New Zealand và Australia thậm chí đã đạt nhất trí về hình thức này. Hong Kong dường như đã kiểm soát được làn sóng thứ hai của dịch bệnh khi trải qua 21 ngày mà không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào, nâng cao khả năng tuyên bố hết dịch vào cuối tháng này.
Chuyện chưa qua thì vẫn chưa kết thúc. Nhưng sau cùng tất cả sẽ qua. Trải nghiệm của châu Á cho thấy điều này đòi hỏi cẩn trọng và thật kiên nhẫn.