Hy vọng nào cho Syria khi cuộc khẩu chiến Nga-Mỹ bỗng nhiên im ắng?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Những gì được thảo luận trong cuộc gặp gỡ Tillerson với Tổng thống V. Putin kéo dài 2 giờ đang còn là ẩn số.

Sau vụ Mỹ bắn tên lửa Tomahawk vào sân bay Shayrat của Syria, quan hệ Nga-Mỹ leo thang hết sức căng thẳng nhưng không có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực diện. Hai nước sẽ nhanh chóng trở lại hợp tác để giải quyết vấn đề Syria và trong cuộc chiến chống khủng bố.

Việc Mỹ tấn công quân sự chống Syria ngày 7/4 vừa qua với cớ quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học tại Khan Shaikhun và tố cáo Nga đứng sau vụ này đã làm cho quan hệ Nga-Mỹ trở nên hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, dù có căng thẳng đến đâu chăng nữa thì cũng không thể dẫn đến đối đầu quân sự trực diện.

Ngay sau cuộc tấn công, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ngừng đường dây nóng liên lạc với Mỹ và đình chỉ Biên bản ghi nhớ ký kết giữa Bộ Quốc phòng Nga và Lầu Năm góc tháng 10/2015 về ngăn chặn đụng độ trên không và bảo đảm an toàn bay tại Syria.

Đồng thời, Nga đã đưa tàu khu trục Đô đốc Grigorovich thuộc Hạm đội biển Đen của Nga vào Địa Trung Hải mang theo tên lửa Kliber hành trình, áp sát hai khu trục hạm USS Porter và USS Ros của hải quân Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ không quân Shayrat của Syria. Hiện nay tàu Đô đốc Grigorovich vẫn neo đậu tại bở biển Syria.

Trong tình hình như vậy, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng một cuộc đụng đầu quân sự giữa Nga và Mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Ngay sau khi dự Hội nghị của các nước công nghiệp G7 được triệu tập tại thành phố Lucca, Italia để bàn các biện pháp mới trừng phạt thêm Nga và Syria, nhưng không đạt được thỏa thuận nào, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn đến Moscow theo lịch trình để hội đàm với Ngoại trướng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống V. Putin.

Tại Mosvow, Rex Tillerson không hề nhắc gì đến chuyện trừng phạt nữa.

Hy vọng nào cho Syria khi cuộc khẩu chiến Nga-Mỹ bỗng nhiên im ắng? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Chúng ta chỉ có thể biết những thông tin ngắn gọn được đưa ra công khai về kết quả chuyến thăm trong cuộc họp báo chung giữa hai ngoại trưởng tại Moscow. Chi tiết của các cuộc thảo luận kéo dài 5 giờ liền và cuộc gặp giữa R. Tillerson với V. Putin không ai biết được.

Tuy nhiên, qua những tin tức công khai thì có thể thấy kết quả các cuộc hội đàm là tích cực, cả hai bên đều không dùng những lời lẽ gay gắt, cố gắng tìm ra những điểm đồng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những điểm bất đồng được đề cập đến một cách khá nhẹ nhàng.

Rex Tillerson tránh những từ ngữ gay gắt khi nói về chính sách của Nga, không nói đến trừng phạt Nga, còn Sergey Lavrov thì dùng những lời lẽ ngoại giao ôn hoà khi đề cập tới vụ Mỹ bắn tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat của Syria và tỏ ra sẵn sàng hợp tác với Mỹ.

Vụ Mỹ bắn tên lửa vào Syria mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự.

Hy vọng nào cho Syria khi cuộc khẩu chiến Nga-Mỹ bỗng nhiên im ắng? - Ảnh 2.

Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria.

Mục đích chủ yếu không phải gây phá hủy căn cứ không quân Shayrat và làm suy yếu sức mạnh quân sự của Syria mà là muốn khẳng định vai trò không thể thiếu được của Washington trong giải pháp Syria và các cuộc xung đột khu vực, đồng thời để giải quyết vấn đề nội bộ của chính quyền D. Trump, làm yên lòng các đồng minh của Mỹ và gửi đi một số thông điệp cho những nước cứng rắn như Triều Tiên và Iran.

Sau hành động quân sự này của Mỹ, các máy bay của Syria vẫn xuất kích từ căn cứ không quân Shayrat và các sân bay khác để tấn công vào các vị trí của các nhóm đối lập vũ trang.

Trong quá khứ Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào Triều Tiên (1950-1953), Việt Nam (1955-1975), Iraq (2003-nay), hàng chục ngàn binh sỹ Mỹ đã bị chết, tổn thất hết sức nặng nề, tổn hại đến uy danh nước Mỹ.

Tình hình khu vực vốn đã hết sức phức tạp, các cuộc xung đột tại Afghanistan, Iraq, Libya, Yemen, Palestine-Israel chưa chấm dứt, Mỹ rất khó nếu không muốn nói là không thể phát động thêm một cuộc chiến tranh nữa tại Syria, gây đối đầu với Nga.

Trong lịch sử giữa Mỹ và Nga chưa bao giờ xảy ra đối đầu quân sự trực diện. Thời kỳ chiến tranh lạnh, cuộc khủng hoảng tên lửa Cu Ba tháng 10/1962 căng thẳng Xô-Mỹ lên đến đỉnh điểm, nhưng chỉ sau 13 ngày hai bên đã đạt được thỏa thuận và tránh được khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Những gì được thảo luận trong cuộc hội đàm 5 giờ liền giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/4 và cuộc gặp gỡ Tillerson với Tổng thống V. Putin sau đó kéo dài 2 giờ đang còn là ẩn số.

Nhưng những nhà quan sát chính trị có kinh nghiệm có thể suy đoán rằng hai bên đã bàn phương thức giải quyết cuộc xung đột Syria, đảm bảo lợi ích của cả Nga và Mỹ, tránh một cuộc đối đầu quân sự trực diện. Rõ ràng sau chuyến thăm Moscow, cuộc khẩu chiến giữa Nga và Mỹ trở nên im ắng hơn nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại