Hy vọng cuối cùng của ông Donald Trump

Hoàng Phương |

Bất chấp được truyền thông Mỹ dự đoán đã đắc cử, ông Joe Biden có thể gặp nhiều khó khăn hơn những người tiền nhiệm trong vấn đề chuyển giao quyền lực, nhất là khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc và trận chiến pháp lý sẽ bắt đầu từ ngày 9-11.

Theo Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng chiến lược pháp lý của mình sẽ đảo ngược kết quả tại những bang đã giúp ông Biden chiến thắng về số phiếu đại cử tri. Các phụ tá và đồng minh của ông Trump trong nội bộ Đảng Cộng hòa nhìn chung ủng hộ chiến lược này dù thừa nhận cơ hội đảo ngược kết quả bầu cử là mong manh. "Ông ấy có thể đệ đơn kiện mọi thứ và nếu không có gì thay đổi, ông ấy nên nhận thua" - một cố vấn của ông Trump nói.

Trước đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump và người Đảng Cộng hòa đã cáo buộc có sai phạm bầu cử và nộp nhiều đơn kiện. Tuy nhiên, các thẩm phán đã bác bỏ đơn kiện ở 3 bang Georgia, Michigan và Nevada. Riêng ở bang Pennsylvania, các thẩm phán đứng về phía Đảng Cộng hòa khi ra lệnh giới chức bầu cử địa phương tách riêng số phiếu đến sau ngày bầu cử 3-11 và cho phép những giám sát viên đảng này tiếp cận nhiều hơn hoạt động kiểm phiếu.

Dù vậy, các chuyên gia pháp lý nhận định quy mô những vụ kiện nói trên là không lớn nên khó tác động đến kết quả bầu cử.

Nhiều bang cho phép các ứng viên yêu cầu kiểm phiếu lại nếu 2 ứng viên hàng đầu có khoảng cách sít sao, thường là từ 0,5-1 điểm %. Nếu khoảng cách lớn hơn, các luật sư của ông Trump sẽ cần phải thuyết phục thẩm phán rằng kiểm phiếu lại là cần thiết để bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng. Điều này có thể đòi hỏi họ trưng ra bằng chứng về cáo buộc gian lận bầu cử diễn ra tràn lan giống như những gì ông Trump từng nói.

Theo Reuters, một trận chiến pháp lý kéo dài có thể cản trở nhiều hoạt động quan trọng liên quan đến chuyển giao quyền lực. Điều này từng xảy ra vào năm 2000 khi ông George W. Bush, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, chỉ được tuyên bố chiến thắng 5 tuần sau ngày bầu cử chính thức. Trong cuộc bầu cử năm đó, các vụ kiện về hoạt động kiểm phiếu ở bang Florida mất 37 ngày để đến Tòa án Tối cao trước khi thành bại được phân định.

Dù vậy, theo báo The Palm Beach Post (Mỹ), có nhiều điểm khác biệt giữa 2 cuộc chiến pháp lý năm 2000 và 2020. Năm 2000, mọi chuyện chỉ bắt đầu sau khi phiếu bầu được đếm xong ở bang Florida với kết quả chính thức cho thấy ông Bush dẫn trước sít sao đối thủ Al Gore 537 phiếu. Kết quả kiểm phiếu lại bằng máy xác nhận kết quả này, khiến đội ngũ luật sư của ông Gore yêu cầu kiểm phiếu lại bằng tay. Sau 37 ngày tranh cãi, Tòa án Tối cao Mỹ ra lệnh ngưng kiểm phiếu lại và ông Bush đã thắng tại bang quan trọng này để vào Nhà Trắng.

Còn trong cuộc bầu cử năm nay, ông Trump đòi ngưng kiểm phiếu ngay cả khi hoạt động kiểm phiếu chưa chấm dứt. Tại một số bang, nhóm pháp lý của ông yêu cầu kiểm phiếu lại dù không trưng ra bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào về cáo buộc sai phạm hoặc gian lận bầu cử.

Ông James Baker, người từng dẫn dắt đội ngũ pháp lý của ông George W. Bush trong cuộc chiến ở bang Florida năm 2000, chỉ trích yêu cầu ngưng kiểm phiếu nói trên và cho rằng rất khó biện hộ cho động thái này trong một nền dân chủ.

Địa lý cũng là một khác biệt đáng chú ý khác. Các vụ kiện năm 2000 chỉ tập trung ở bang Florida trong khi "chiến trường pháp lý" năm 2020 trải dài ở một số bang, đòi hỏi ông Trump phải có một đội ngũ pháp lý hùng hậu hơn nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại