Từ thế kỷ thứ 10 cho đến khi bị sụp đổ vào năm 1215, họ đã xây dựng những công trình đồ sộ, đáng kể nhất là thành phố Firozkoh huyền thoại.
Thịnh vượng và suy tàn
Firozkoh được xem là kỳ quan của thời đại, một trong những thành phố vĩ đại nhất được xây dựng giữa những ngọn núi của Vương quốc Ghurid. “Firozkoh” theo tiếng Ba Tư có nghĩa là “núi ngọc lam” và đô thị rộng lớn này đã phát triển trong gần một thế kỷ như trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho sự giàu có và sức mạnh của đế chế.
Được xây dựng ở khu vực Ghor, miền Trung Afghanistan, Firozkoh là nơi thích hợp cho những người Ghurid bán du mục, được xem là Thủ đô mùa hè của Vương quốc, cạnh tranh với thành phố lớn khác là Herat.Ngày nay, Herat là thành phố lớn thứ ba ở Afghanistan và còn lưu giữ nhiều kho tàng văn hóa, trong khi Firozkoh, từng được coi là tráng lệ, đã không để vết tích gì.
Thành phố “núi ngọc lam” đã không đứng vững sau sự sụp đổ của đế chế Ghurid vào năm 1215, và cuối cùng bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1223, sau một cuộc bao vây bởi Đà Lôi (Tolui), con trai củaThành Cát Tư Hãn. Vào thời điểm đó, thành phố đã hơn 70 năm tuổi, từng thu hút mọi nguồn lực to lớn của đất nước trong việc xây dựng và phát triển.
Năm 1150, lãnh chúa của người Ghurid là Ala Al-Din Husayn lật đổ Vương quốc Ghaznavid và đốt cháy Thủ đô Ghazna của họ. Các ghi chép đã chỉ ra, có đến 60 nghìn người thiệt mạng trong cuộc tàn phá này, những người còn lại đều bị bắt làm nô lệ.
Theo nhà sử học và biên niên sử của Ghurid, Minhaj al-Siraj Juzjani, chính các nô lệ này bị buộc lao động cực nhọc, vận chuyển vật liệu cho việc xây dựng Firozkoh, máu của họ đã trộn lẫn với bùn đất để hình thành thành phố vĩ đại Firozkoh.
Trên thực tế, cho đến thời điểm đó, thành phố đã tồn tại được vài năm, ban đầu được thành lập vào năm 1146 bởi anh trai của Al-din Husayn, Qutb al-Din Muhammad. Nhiều vị vua của Ghurid sau đó cũng góp phần phát triển thành phố, giúp Firozkoh thịnh vượng trong suốt thời kỳ đế chế còn hùng mạnh.
Tuy nhiên, nhà nước Ghurid không tồn tại lâu dài và sự sụp đổ của nó có liên quan đến sự mâu thuẫn về tôn giáo. Năm 1199, Quốc vương Ghurid, Ghiyath al-Din, ra lệnh cho cả nước từ bỏ giáo phái Karramiyya của đạo Hồi để ủng hộ Luật Shafi'i. Quyết định này không được người dân thành phố tán thành, dẫn đến những bất ổn trong nước..
Đế chế Ghurid bắt đầu suy sụp sau cái chết của Ghiyath al-Din vào năm 1203 và người kế nhiệm là Muizz al-Dinvào năm 1206. Kẻ thù của Vương quốc lợi dụng tình hình này, tiến hành nhiều cuộc xâm lăng vào sâu trong lãnh thổ. Đến cuối năm 1215, thành phố “Núi ngọc lam” bị tấn công và chiếm đóng bởi Muhammad II của đế chế Khwarazmian láng giềng.
Khi người Khwarazmians bị đe dọa bởi các cuộc tấn công của quân Mông Cổ từ phía Đông, cư dân thành phố bắt đầu nổi dậy chống lại lực lượng chiếm đóng. Thế nhưng, sau khi người Khwarazmians bị đánh bại, Firozkoh đã bị quân Mông Cổ tấn công và bao vây vào năm 1220.
Tuy nhiên, thành phố “Núi ngọc lam” đã gặp may mắn, khi mùa Đông khắc nghiệt đến, lực lượng Mông Cổ buộc phải rút lui. Nhưng ba năm sau, vào năm 1223, họ quay trở lại với lực lượng hùng hậu hơn. Để tránh bị tàn sát, người Firozkoh buộc phải di tản đến thành phố láng giềng Herat.
Theo Minhaj al-Siraj Juzjani, người Mông Cổ không cần một thành phố quá xa đất nước của họ và cũng không thể để một thành trì to lớn như vậy cho kẻ thù tiềm năng nên họ đã san bằng Firozkoh, xóa hết các dấu tích.
Dấu tích còn lại
Tháp Jam được cho là di tích còn lại của thành phố Firozkoh huyền thoại.
Vị trí của Firozkoh hiện nay không ai rõ. Trong nhiều năm, các nhà sử học và khảo cổ ra sức tìm kiếm dấu vết của nó. Mới đây, họ tuyên bố đã phát hiện manh mối về nơi đã từng là thành phố “núi ngọc lam”.
Đó là Minaret of Jam (Tháp Jam), một tòa tháp ở vùng Shahrak thuộc tỉnh Ghor, Afghanistan, nằm sâu trong những ngọn núi khó tiếp cận.Nếu tính từ Herat, phải mất hai tuần đi bộ mới đến được nơi này,một khu vực tương đối yên bình, có tên là thung lũng Jam, hiện không có người sinh sống.
Minaret of Jam cao 60m nằm trên một đế hình bát giác và bao gồm bốn trục hình trụ, nhỏ dần khi lên cao. Tháp được làm bằng gạch nung và vữa vôi, với hai ban công bằng gỗ và một chiếc đèn lồng trên đỉnh. Mặt ngoài của nó được trang trí với các chi tiết tinh tế, hoàn toàn bằng những đường gạch màu ngọc lam.
Niên đại thực sự của tháp là không rõ ràng. Một dòng khắc ở trên cùng cho thấy thời điểm xây dựng tháp là vào năm 1194, còn một đoạn khắc khác có đề cập đến cái tên của vị vua Ghiyas ud-Din (1157 - 1202).
Người ta cho rằng, tháp được xây dựng với mục đích kỉ niệm chiến công của ông - đánh thắng đế chế Ghaznavid ở Delhi. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng vật lý cho thấy một tòa nhà lớn từng tồn tại bên cạnh tháp. Ở Trung Á, người ta thường xây dựng các tòa tháp đơn lẻ, đồ sộ như một dấu hiệu của quyền lực chính trị.
Tháp nằm lặng im nơi thung lũng hoang vắng trong nhiều thế kỷ và được tìm thấy vào năm 1886 bởi Sir Thomas Holdich. Sau đó, nó lại bị lãng quên, cho đến năm 1957 mới được phát hiện lại.
Minaret of Jam đã được tuyên bố là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2002. Nó hiện đang bị đe dọa bởi nước thấm từ hai con sông bên dưới, bị rung chuyển từ việc xây dựng đường sá gần đó, cùng các mối đe dọa từ các cuộc khai quật khảo cổ học bất hợp pháp.
Liệu Tháp Jam có thực sự là công trình kiến trúc còn sót lại của thành phố Firozkoh vĩ đại? Có lẽ phải chờ thêm bằng chứng mới trong các nghiên cứu của giới sử học và khảo cổ.