Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những 'sắc màu' trên thế giới

Nguyệt Phạm |

Cứ đến 15 tháng Tám âm lịch hàng năm, người dân nhiều nơi trên thế giới lại đón Tết Trung thu, trẻ nhỏ nô nức vui chơi, người người sum họp gia đình. Vậy nguồn gốc Tết Trung thu là gì? Cùng tìm hiểu nhé!

Tết Trung thu là dịp để các gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Tết Trung thu là dịp để các gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Từ xưa tới nay, Tết Trung thu được coi là một trong bốn Tết lớn của người Việt Nam cùng với Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ. Đúng như tên gọi của nó, trung thu có nghĩa là ngày rằm giữa mùa Thu, cụ thể là ngày 15 tháng Tám âm lịch hàng năm.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt

Cho tới nay, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Tết Trung thu trên thế giới, trong đó, cũng không ít ý kiến cho rằng ngày Tết này có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tại Việt Nam, truyền thuyết về nguồn gốc ngày Tết Trung thu được biết đến nhiều nhất là sự tích Chú Cuội cây đa.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 1.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt gắn liền với sự tích Chú Cuội cây đa. (Ảnh: Pinterest)

Ngày xưa, ở vùng nọ có một tiều phu tên là Cuội. Một hôm, Cuội vào rừng và tình cờ phát hiện một cây đa quý. Nó có thể "cải tử hoàn sinh".

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội đã cứu sống rất nhiều người. Thế nhưng, tiếng đồn lan truyền khắp nơi, kẻ xấu sinh lòng ghen ghét. Một hôm, lợi dụng lúc Cuội đi vắng, chúng đến nhà giết vợ Cuội và mổ bụng lấy ruột vứt đi. Cuội về, lấy đất nặn thành ruột, dùng lá cây để cứu sống vợ. Do bộ ruột được làm từ đất, nên vợ Cuội thay đổi tính tình, trí nhớ giảm sút.

Ngày nọ, khi ở nhà một mình, người vợ đã dùng nước bẩn tưới lên cây. Cây đa tự nhiên bật gốc, từ từ bay lên trời. Vừa lúc đó, Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng chụp lấy rễ cây để níu lại, nhưng cây vẫn cứ bay lên và kéo cả Cuội lên cung trăng. Do không có cách nào trở về, Cuội đành ở lại cung trăng với cây đa quý của mình.

Nếu nhìn lên mặt trăng vào những đêm rằm, chúng ta có thể thấy có một vệt đen giống hình một cây cổ thụ và một người ngồi dưới gốc. Người ta cho rằng đó là Chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Vẫn theo truyền thuyết, mỗi năm cây đa chỉ rụng một lá vào đêm trăng sáng. Vì thế, vào đêm rằm tháng 8 cũng là đêm trăng sáng nhất, người ta thường bày hương án, hoa quả, mắt hướng về phía mặt trăng để cầu mong nhận được phương thuốc cải tử hoàn sinh từ cây đa của chú Cuội. Từ đó, tục ngắm trăng và cúng trăng vào đêm rằm tháng tám đã trở thành phong tục của người Việt Nam.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 2.

Tục ngắm trăng và cúng trăng vào đêm rằm tháng tám đã trở thành phong tục của người Việt Nam. (Ảnh: Pinterest)

Theo sách "Thái Bình hoàn vũ ký": "Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau". Như vậy, có thể hiểu, người Việt xưa coi mùa Thu là mùa đẹp để thành hôn.

Nhiều nhà khảo cổ khẳng định rằng Tết Trung thu ở Việt Nam đã có từ thời xa xưa. Theo một bài viết đăng tải trên Cổng thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau, các nhà khảo cổ đã tìm được những hình ảnh về các hoạt động ăn mừng ngày Tết trung thu được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Còn theo văn bia được tìm thấy ở Chùa Đọi có niên đại năm 1121, từ thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức ở kinh thành Thăng Long với hoạt động như đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến thời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

Ý nghĩa của Tết Trung thu

Thời điểm diễn ra Tết Trung thu cũng là khi khí trời mát mẻ, mùa màng đã xong xuôi chỉ chờ ngày thu hoạch. Lúc này, người dân tổ chức một lễ hội cầu mùa, ca hát vui chơi.

Đối với người Việt, vào ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị 1 mâm cỗ và vừa ăn vừa thưởng trăng. Ngoài mâm cỗ gia tiên, người ta còn chuẩn bị 1 mâm với nhiều loại bánh trái hoa quả được nhuộm đủ các màu sắc sặc sỡ cho trẻ con phá cỗ.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 3.

Vào ngày Tết Trung thu, mọi người sẽ bày một mâm cỗ để cả gia đình, làng xóm vừa ăn vừa ngắm trăng. (Ảnh: Vietnamplus)

Nhà văn hóa Phan Kế Bính đã viết trong cuốn "Việt Nam phong tục" viết: "Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Trẻ con trong dịp Tết Trung thu được người lớn mua hoặc làm cho những món đồ chơi như đèn lồng, đồ chơi bồi bằng giấy hình voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, hoặc làm đèn cù, ông nghè đất…

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 4.

Trẻ em trong dịp Tết Trung thu sẽ được người lớn mua cho những món đồ chơi như đèn lồng, đồ chơi bằng giấy bồi... (Ảnh: DulichVietNam)

Khi trăng lên, người lớn sẽ ngồi ăn bánh, uống trà, ngắm trăng. Người trẻ tuổi thì cùng nhau hát điệu Trống quân. Trẻ em thì dắt nhau thành từng nhóm rước đèn, múa sư tử, đánh trống, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, tiếng reo hò, tiếng đùa vang khắp cả đường.

Cũng trong dịp này, mọi người thường mua bánh Trung thu để cúng tổ tiên, biếu quà ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và họ hàng. Các loại bánh mọi người thường mua là bánh nướng, bánh dẻo cũng là những đặc sản mang đậm hương vị Trung thu. 2 loại bánh này có hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất. Ngày nay, ngoài hương vị truyền thống, bánh nướng và bánh dẻo còn được biến tấu với hàng trăm loại nhân khác nhau nhưng vẫn luôn giữ được nét đặc trưng rất riêng của bánh Việt.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 5.

Bánh Trung thu của người Việt có hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất. (Ảnh: Pinterest)

Qua đây, có thể thấy, dịp Tết Trung thu là nét độc đáo trong nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đây chính là dịp để mỗi người cùng cố gắng sắp xếp công việc để trở về quê, sum họp với gia đình và quây quần bên mâm cỗ đoàn viên. Sau đó, cả nhà sẽ cùng uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, trò chuyện và ôn lại những kỷ niệm đẹp.

Những sắc màu Trung thu trên thế giới

Không chỉ riêng Việt Nam, Tết Trung thu còn có ở nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... với những bản sắc và phong tục riêng.

Trung Quốc

Trung thu ở Trung Quốc được tính là một ngày lễ lớn thứ hai, chỉ sau mỗi Tết nguyên đán. Người Trung Quốc tổ chức Tết Trung thu với mục đích tạ ơn Trời đất, ông bà tổ tiên. Với người dân Trung Quốc, Tết Trung thu là ngày đoàn viên, là thời điểm mọi thành viên trong gia đình quay về tụ họp dù có ở xa đến đâu.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 6.

Trung thu ở Trung Quốc được coi là ngày lễ lớn thứ 2, sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: Baidu)

Vào dịp này, người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên các con phố. Trong đêm Rằm, người ta sẽ thả đèn trên sông và thả đèn trời có chứa tâm nguyện gửi tới trời xanh.

Họ thường dùng các loại ngũ cốc để làm bánh cúng lễ cùng với hoa quả. Bánh trung thu ở Trung Quốc gần giống với bánh ở Việt Nam. Chúng có hình tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ viên mãn.

Nhật Bản

Hiện nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch, những Tết Trung thu vẫn là ngày lễ được tổ chức rầm rộ, nó diễn ra vào ngày 15/8. Người Nhật gọi ngày này là Lễ ngắm trăng, thập ngũ dạ (đêm mười lăm).

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 7.

Người Nhật Bản thường tổ chức lễ hội rước đèn vào dịp Trung thu. (Ảnh: Pinterest)

Trong dịp này, người Nhật thường ngắm trăng và ăn những món ăn truyền thống. Các loại bánh đặc biệt được làm trong Tết trung thu là Tsukimi dango – bánh nếp nhỏ và tròn tượng trưng cho trăng trên trời – được xiên vào que và thưởng thức cùng trà xanh. Ngoài ra họ còn ăn các món khác như khoai lang, hạt dẻ và các loại mì như soba, ramen.

Trẻ em vào dịp Tết Trung thu thường được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, đặc biệt là với các bé trai.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, ngày Tết Trung thu được gọi là Chuseok, biểu tượng cho sự thịnh vượng. Tết Trung thu ở Hàn Quốc thường kéo dài trong 3 ngày từ ngày 14 đến 16/8 âm lịch. Đây là kỳ nghỉ bắt buộc ở Hàn. Khoảng thời gian này cũng là dịp để mọi người nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình, con cái dù ở xa cũng cố gắng về nhà đoàn tụ cùng cha mẹ.

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 8.

Ngày Tết Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là Chuseok, biểu tượng cho sự thịnh vượng. (Ảnh: Pinterest)

Vào ngày đầu tiên của lễ Chuseok, cả gia đình sẽ tụ hợp lại để thực hiện các nghi lễ tưởng niệm tổ tiên. Người dân thường nhân cơ hội để tới thăm và dọn dẹp mộ tổ tiên. Món ăn chủ đạo được dùng để cúng tế là mebap (cơm gạo mới thu hoạch).

Sau đó cả gia đình sẽ cùng chuẩn bị món bánh Trung thu có tên gọi là Songpyeon. Đây là một loại bánh gạo nhiều màu có hình trăng lưỡi liềm. Họ sẽ thưởng thức chúng cùng với quả hồng.

Người lớn và trẻ em đều mặc hanbok trong dịp này. Họ sẽ cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Các trò chơi thường là trò chơi truyền thống như bắn cung, đấu vật, đánh trận giả… Người Hàn Quốc không múa lân hay múa rồng, thay vào đó, họ hóa trang thành rùa, bò để theo sau các đoàn lễ nhạc.

Thái Lan

Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là "lễ cầu trăng". Ngày lễ này được tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch hàng năm.

Mọi người ngồi quanh mâm cỗ với những món đồ đặc trưng của mùa thu như đào, sầu riêng, bánh Trung thu và chúc nhau mọi điều tốt lành. Bánh Trung thu của Thái lan cũng có hình dạng giống trái đào, khác với bánh hình vuông hoặc tròn như nhiều nước khác. Đặc biệt bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống. Người Thái tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.

Malaysia

Malaysia tổ chức lễ hội đèn lồng vào ngày 16/9 và lễ hội Bánh trung thu (19-21/9). Vì Malaysia có số lượng người gốc Hoa sinh sống rất đông nên Tết trung thu ở đây được tổ chức rất tưng bừng. Lễ hội của người Malaysia được tổ chức nhằm thể hiện niềm vui khi kết thúc vụ mùa bội thu và cầu mong sự thịnh vượng, no ấm và hòa bình.

Người Malaysia thường làm bánh Trung thu vào dịp Tết Trung thu. Ngoài ra, họ cũng thắp đèn lồng trong ngày này. Các hoạt động chính là múa lân, múa sư tử và chơi các trò chơi giải trí. Các gia đình sẽ kéo nhau ra đường để cùng vui chơi và hòa mình vào không khí náo nhiệt của lễ hội.

Campuchia

Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước khác. Họ thường tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch chứ không phải vào rằm tháng 8 âm lịch như các nước khác. Lễ hội này được gọi là Ok Om Pok (Bái nguyệt tiết) có nghĩa là "vái lạy Mặt trăng".

Nguồn gốc Tết Trung thu của người Việt và những sắc màu trên thế giới - Ảnh 9.

Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước khác. (Ảnh: Pinterest)

Lễ hội này diễn ra vào buổi tối, người ta sẽ cúng cốm dẹt, khoai, mía, súp sắn với chuối. Còn buổi sáng, người ta sẽ cúng Mặt trăng với lễ vật là súp sắn, gạo dẹt và nước mía. Người Campuchia còn tổ chức cuộc thi thả đèn gió để gửi gắm những lời cầu nguyện mong bình an, may mắn tới thần Mặt trăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại