LTS: Hiện công an TP.HCM đang xin ý kiến Bộ công an thành lập lại lực lượng SBC (săn bắt cướp) huyền thoại một thời.
Đây cũng là đề nghị của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trong cuộc họp cách đây không lâu, nhằm trấn áp tội phạm trong tình hình mới.
Vậy những thành viên SBC khiến tội phạm nghe qua đã sợ ngày xưa được tuyển chọn như thế nào, hoạt động ra sao? Lực lượng SBC được tái lập mới cần có cơ chế hoạt động như thế nào để trấn áp tội phạm hiệu quả?
Những huyền thoại SBC ngày ấy - bây giờ
Người đội trưởng huyền thoại của SBC được biết đến là Hai Thành (tức Võ Văn Thành) qua đời gần 2 năm trước.
Trước đó huyền thoại Lý Đại Bàng cũng bất ngờ "chia tay" cuộc sống...không lời giã từ. Những thành viên SBC một thời lẫy lừng cũng sẽ lần lượt ra đi vì tuổi cao sức yếu hay vì bệnh tật.
Một số cán bộ chiến sĩ SBC ngày xưa nay đã nghỉ hưu, mỗi người mỗi ngả mưu sinh, vui thú điền viên; còn số ít vẫn đang phục vụ trong ngành với vai trò khác, điển hình như đại tá Lê Thanh Liêm (biệt danh Hai Lửa), hiện đang là Cục phó Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) Bộ công an.
Nhưng chiến sĩ SBC năm nào, dù ở đâu, làm gì, họ vẫn gắn kết với nhau kỳ lạ. Thỉnh thoảng họ lại gặp nhau, hàn huyên một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết…
Đại tá Mai Văn Tấn, một thành viên SBC, nguyên trưởng phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM kể: giai đoạn đó đất nước vừa thống nhất, tội phạm trỗi dậy rất phức tạp.
Lúc đó, công an TP.HCM chủ trương thành lập lực lượng chuyên biệt để…dẹp loạn.
Bấy giờ, trưởng công an Q.5 là Trịnh Vinh thành lập 1 tổ hình sự chia ca làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm trên đường phố suốt 24/24. Mô hình này chính là tiền đề để đi đến thành lập đội SBC huyền thoại vào tháng 3/1978.
Người “đứng mũi chịu sào” lúc đó là trung tá Trịnh Thanh Thiệp, biệt danh là “5T”, nguyên trưởng phòng cảnh sát hình sự, sau này là nguyên Phó tổng cục trưởng thường trực Tổng cục cảnh sát – Bộ công an.
Vị đội trưởng đầu tiên lúc bấy giờ là Hai Thành.
Từ 2 huyền thoại này có thêm những tên tuổi mà tội phạm nghe đến đã khiếp vía, chùn tay như: Phan Thanh (tức Ba Tung), Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Lê Thanh Liêm (Hai Lửa), Mai Văn Tấn, Trần Văn Năm (Năm Lửa)…
Cựu thành viên SBC Năm Lửa hồi tưởng: khóa đầu tiên “sếp 5T” đã tuyển chọn được 58 thành viên.
“Chúng tôi ngày đó ai cũng trải qua đợt tuyển chọn khắt khe mới đứng vào hàng ngũ SBC ! Tiêu chuẩn đầu của lính SBC là phải dưới 30 tuổi, sức khỏe tốt, sẵn sàng, chấp nhận hy sinh.
Khi đó chúng tôi phải trải qua các phần thi như: chạy xe tốc độ cao (thời đó chủ yếu là xe 67 đôn zên, xoáy nòng); bắn súng ở nhiều tư thế, võ thuật tinh nhuệ”, Năm Lửa nói.
Đại tá Mai Văn Tấn, từng là đội trưởng SBC kể: “Khi đó chúng tôi máu lửa, quyết không khoan nhượng với tội phạm, chấp nhận hi sinh khi làm nhiệm vụ…
Lính SBC khi đó có những đặc quyền, đặc lợi riêng như: khi truy đuổi tội phạm có thể chạy vào đường ngược chiều, vào đường cấm; SBC sử dụng vũ khí đặc biệt, bắn đạn thật; khi bắn 2 phát cảnh cáo nhưng tội phạm không chống trả thì có quyền bắn hạ hoặc là bắn hạ ngay lập tức nếu tội phạm có vũ khí nguy hiểm".
Chiến sĩ SBC ngày xưa được giao nhiều đặc quyền trong trấn áp tội phạm, được dùng súng quân dụng bắn hạ nếu xác định là đối tượng manh động, nguy hiểm.
Ngoài ra SBC có thẻ đặc biệt "SBC", trong quá trình truy bắt tội phạm có thể trưng ra yêu cầu lực lượng công an hay người dân ở bất kỳ nơi nào phải hỗ trợ ngay lập tức…".
Chưa kể, các thành viên SBC cho biết, trước đây có những thành viên là bậc thầy hóa trang, tóc dài, như những gã dân chơi thứ thiệt; chính vì thế mà việc trà trộn điều tra, bắt giữ tội phạm cũng hiệu quả, đầy bất ngờ…
Những chiến công lẫy lừng
Đại tá Lê Thanh Liêm (Hai Lửa) vẫn nhớ như in về lần hạ gục băng cướp nhà băng của trùm giang hồ Võ Tùng Hội - vụ án đáng nhớ nhất mà ông tham gia.
Đây được coi là băng cướp tàn độc nhất trong giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất, trang bị 14 khẩu súng, quy tụ hơn 30 đàn em, gây cả trăm vụ cướp và thậm chí sát hại cả 1 chiến sĩ SBC trong quá trình đeo bám băng nhóm này.
Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho đội SBC, đội trưởng bấy giờ là Ba Tung.
Một buổi trưa tháng 2/1977, Ba Tung chỉ huy đội hình SBC giăng bẫy băng Võ Tùng Hội tại một nhà băng ngay trung tâm Q.1.
Ngay hôm đó băng Võ Tùng Hội sập bẫy, cướp nhầm phải chiến sĩ SBC đóng vai đại gia, cầm cặp táp từ nhà băng đi ra.
Khi đàn em Võ Tùng Hội xông đến cướp cặp táp, lập tức bị "chủ nhân" quật ngã, bắt gọn.
Biết dính bẫy, Võ Tùng Hội cùng đàn em chống trả quyết liệt, lên xe tháo chạy, nã đạn về phía sau, do bị SBC đeo bám quyết liệt bằng xe 67 với tốc độ cao trên phố.
Chính vì mức độ nguy hiểm có thể xảy ra với thường dân, đội trưởng Ba Tung lệnh mở đường cho đám Võ Tùng Hội thoát thân, dụ dẫn chúng ra ngoài thành để quyết đấu sinh – tử.
Hình sự đặc nhiệm, những người hùng thầm lặng trên đường phố
Dọc đường tháo chạy, Hội và đàn em chỉa súng bắn cuồng loạn, không làm cho lính SBC nao núng. Đúng kế hoạch của Ba Tung, băng Võ Tùng Hội bị dồn đẩy vào 1 căn nhà hoang.
Tại đây với tài bài binh bố trận của Ba Tung và sự tinh nhuệ của SBC, họ đã lần lượt bắn hạ các đàn em, bắt sống đại ca Võ Tùng Hội…
Còn rất nhiều vụ án khác mà SBC đã dũng cảm khám phá. Đến nay, lịch sử ngành công an nói chung và công an TP.HCM vẫn còn in đậm những thành tích lẫy lừng của lực lượng SBC huyền thoại.
Các chiến công điển hình phải kể đến như: khám phá vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ; tướng cướp Điền Khắc Kim, băng cướp Bông Hồng Trắng, vụ án Mã Ngưu (tức tướng cướp Tín Mã Nàm), giải cứu 11 em bé bị bắt cóc đưa lên vùng rừng núi Lâm Đồng, vụ thảm sát ở nhà quận chúa Mộng Hoa…
Ông Bùi Văn Thu, từng là thành viên của SBC Q.Tân Bình nói, từ mô hình SBC của phòng cảnh sát hình sự khi đó, một số quận, huyện cũng thành lập SBC.
"Lúc đó chúng tôi rất máu nghề, qua các đợt tuyển chọn, nếu ai chính thức tham gia lực lượng SBC là sự vinh dự, hãnh diện lắm.
Khi đó SBC trong con mắt người dân là những thần tượng, anh hùng trên đường phố. SBC một thời làm cho tội phạm khiếp sợ, không dám manh động…" – lời ông Thu nói với chúng tôi.