Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TP HCM vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030. Do huyện còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường. Vì vậy, huyện Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi từ huyện lên TP trực thuộc TP . Dự kiến từ nay đến năm 2025, huyện Bình Chánh phải phát triển 12/16 xã, thị trấn thành phường và định hướng phát triển Bình Chánh trở thành TP phức hợp, liên kết vùng.
Là huyện ngoại thành ở cửa ngõ Tây Nam của TP HCM, Bình Chánh giống như “khớp nối” 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn. Huyện là một trong ba địa phương có diện tích lớn nhất TP HCM, với hơn 252 km2 (chiếm 12% diện tích toàn thành phố), chỉ đứng sau Cần Giờ và Củ Chi. Ngoài ra, đây cũng là huyện có số dân đông nhất cả nước với hơn 800.000 người, bình quân mỗi năm dân số tăng thêm 40.000 người.
Huyện đang có sự “chuyển mình” để đẩy nhanh tiến trình lên thành phố với tốc độ đô thị hóa nhanh, loạt công trình giao thông trọng điểm cùng nhiều dự án góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Hiện tại, Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí để lên thành phố. Theo tờ trình của Sở Nội vụ gửi UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận, hoặc TP thuộc TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, huyện Bình Chánh đã đạt 26/30 tiêu chí.
Về hạ tầng giao thông, dòng vốn chảy vào các dự án đến nay ước chừng khoảng 5 tỷ USD . Với vị trí cửa ngõ phía Tây, nối liền với các trục đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A - huyết mạch giao thông chính từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đến các tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Huyện có cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, các tuyến đường liên Tỉnh lộ 10; đường Nguyễn Văn Linh vượt sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai, Quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An). Bình Chánh trở thành cầu nối giao lưu kinh tế, giao thương đường bộ giữa vùng đồng bằng Sông Cửu Long với vùng kinh tế miền Đông Nam Bộ và các khu công nghiệp trọng điểm.
Năm 2022, TP HCM cũng có văn bản công khai sẽ mời gọi đầu tư loạt dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Dự án Metro số 3A Bến Thành - Tân Kiên dài 20km có tổng mức đầu tư hơn 67.000 tỷ đồng vừa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát thực địa để chuẩn bị công tác cập nhật hoàn chỉnh đề xuất dự án và các công việc tiếp theo.
Dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1 trị giá gần 3.300 tỷ đồng, chiều dài 26 km đi qua 7 quận huyện, trong đó có Bình Chánh được TP HCM dự kiến khởi công năm 2022, hoạt động vào năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại dự án đang tạm dừng để tổ chức lại mạng lưới xe buýt.
Tương lai, khu vực Bình Chánh còn sở hữu tuyến đường sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ dài 135 km. Dự án đã được duyệt quy hoạch, với 9 nhà ga trong đó ga Tân Kiên (Bình Chánh) được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị với tổng diện tích 352 ha.
Ngoài ra, huyện dự kiến sẽ có hai tuyến Vành đai 2 và 3 với tổng mức đầu tư hơn 262.000 tỷ đồng đi qua. Hai đường Vành đai kết nối các tuyến giao thông huyết mạch như TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1 và 22 vốn đầu tư 250.000 tỷ đồng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng của địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đầu tư, nâng cấp trục quốc lộ 50 gần 1.500 tỷ đồng; mở rộng Quốc lộ 1A lộ giới 120m. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch như Võ Văn Kiệt nối dài (21.119 tỷ đồng), đại lộ Nguyễn Văn Linh giúp việc di chuyển về trung tâm Quận 1 hay Phú Mỹ Hưng thuận lợi.
Một số dự án khác TP HCM dự kiến mời gọi đầu tư là Metro số 5 giai đoạn 2 trị giá 46.310 tỷ đồng; tuyến tàu điện một ray số 2, đi qua TP Thủ Đức, quận 7, quận 8, quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh 15.730 tỷ đồng; hệ thống Cảng cạn - Trung tâm Logistics - Tân Kiên 4.200 tỷ đồng.
Trong lộ trình lên thành phố của Bình Chánh, khu trung tâm hành chính được xem là hạt nhân cho sự phát triển của địa phương và được đẩy mạnh đầu tư nhiều năm qua, thu hút nhiều dòng vốn lớn. Đơn cử như đề xuất xây khu phức hợp xanh Smart Eco City tại huyện Bình Chánh của FLC với quy mô hơn 1.150 ha, tổng mức đầu tư 80.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch, dự án sẽ có tòa tháp Landmark 99 tầng - tòa tháp có kế hoạch xây dựng cao nhất ở TP HCM.
Đáng chú ý, Bình Chánh còn sở hữu các cụm, khu công nghiệp lớn tại TP HCM với lực lượng lao động dồi dào, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Huyện sở hữu ba khu công nghiệp quy mô lớn bậc nhất TP HCM tính đến thời điểm này gồm: KCN Lê Minh Xuân và Lê Minh Xuân mở rộng (hơn 800 ha, quy mô lớn thứ hai), KCN Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc mở rộng (500 ha, đứng thứ 4), KCN An Hạ (150 ha, thứ 10). Ngoài ra còn một số dự án KCN nhỏ lẻ khác như KCN Tân Tạo, Phong Phú,....
Mới đây, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và II tại huyện Bình Chánh với quy mô gần 700 ha vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP HCM. Như vậy, với dự án này, huyện chiếm đến gần 30% quỹ đất, vươn lên dẫn dắt và trở thành trọng điểm của thị phần công nghiệp TP HCM.
Bình Chánh cũng đang dồn lực hoàn thiện Cụm y tế kỹ thuật cao Tân Kiên rộng 74 ha gồm các bệnh viện: Nhi đồng TP HCM, Tai Mũi Họng cơ sở 2, Truyền máu Huyết học, Ung Bướu, Viện Tim thành phố (cơ sở 2) và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2).
Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành mô hình viện - trường tại cửa ngõ Tây Sài Gòn, giảm tải các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố, thu hút thêm lượng lớn chuyên gia y tế về sinh sống.