Chiến tranh thương mại đã góp phần biến Việt Nam trở thành một điểm đến tuyệt vời cho tất cả các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc. Năm 2011, đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau chỉ đạt 700 triệu USD thì con số này đã chạm ngưỡng 2,4 tỷ USD vào năm 2018. Gã khổng lồ châu Á hiện là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, và các lĩnh vực thu hút đầu tư ngày càng đa dạng.
Một công nhân Việt Nam có mức lương trung bình từ 300 - 350 USD/tháng, chỉ bằng một nửa công nhân Trung Quốc. Các công ty nước ngoài đã mang đến các công nghệ và mô hình quản lý tiên tiến hơn, và đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, 70% trong số đó được sản xuất bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Họ cũng đã giúp nâng cao tiêu chuẩn tại các bộ và cơ quan chính phủ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp rất lớn vào tạo việc làm và đào tạo nhân lực ở Việt Nam. Lao động trong khu vực này là 330.000 người vào năm 1995, đã tăng lên 3,6 triệu vào năm 2017, chưa kể đến 5 - 6 triệu người khác được tuyển dụng gián tiếp. Đầu tư của Trung Quốc cũng đã khuyến khích các quốc gia khác tham gia các dự án của riêng họ.
Ngành thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng rất tốt, do dân số Việt Nam tương đối trẻ. Từ năm 2016 đến 2018, hai trang web thương mại điện tử phát triển nhất là Lazada và Tiki đều nhận được khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc. Tập đoàn Alibaba, công ty sở hữu South China Morning Post, đã đầu tư 2 tỷ USD vào Lazada và đang lên kế hoạch nhiều hơn. Vào tháng 1 năm 2018, JD.com đã xác nhận khoản đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.
Đối với Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam là cơ hội để hội nhập sâu hơn kinh tế với thế giới. Trong khi trước đây, Việt Nam chủ yếu là người hưởng lợi từ đầu tư hướng nội, thì giờ đây mọi thứ đang thay đổi khi Việt Nam tham gia vào rất nhiều các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Dòng vốn sẽ còn tiếp tục dồi dào nữa với tiềm năng phát triển của Việt Nam cùng với diễn biến phức tạp của xung đột thương mại giữa hai cường quốc Trung - Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải hết sức cảnh giác với các vấn đề như tài nguyên, môi trường và đời sống của người dân.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ cần cải cách quy định hơn nữa, giáo dục tốt hơn và thúc đẩy chuỗi giá trị để đầu tư trong tương lai có thể bù đắp và hạn chế tác động môi trường của quá trình sản xuất chi phí thấp.
Dựa vào đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế sẽ là con dao hai lưỡi. Trước hết là sự ô nhiễm. Giống như Trung Quốc trước đó, Việt Nam đã tham gia sản xuất một loạt các ngành công nghiệp như dệt may, giày dép, nhiệt điện và khai thác mỏ - những ngành này vốn dĩ không hề thân thiện với môi trường.
Năm 2016, Formosa đã nhận trách nhiệm về thiệt hại trên diện rộng đối với sinh vật biển do xả chất thải công nghiệp ra biển quanh bốn tỉnh ở miền Trung, một thảm họa đối với ngư dân sống bằng nghề chăn nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ thấp hoặc đã lỗi thời. Do đó, SCMP nhận xét: nếu không lựa chọn dự án một cách khôn ngoan, Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi rác của thế giới.
Các máy móc và thiết bị được mang vào Việt Nam vốn có thể được sản xuất trong nước, nhưng việc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ đã khiến một số ngành công nghiệp trong nước khó tồn tại. Các dự án FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc thường có giá rẻ gấp đôi hoặc ba lần so với các dự án tương tự dựa vào công nghệ Nhật Bản hoặc châu Âu. Khoảng cách này dẫn đến đánh giá sai lệch về hiệu quả của các dự án này.
Chuyển giá là cũng là một rủi ro khác. Các doanh nghiệp nước ngoài phóng đại giá trị của các khoản đầu tư của họ, điều này có thể làm thất thoát thuế, giảm lợi nhuận và cạnh tranh không lành mạnh. Khó để định giá chính xác của công nghệ và thiết bị hiện đại được sử dụng bởi một công ty nước ngoài.
Họ có xu hướng thổi giá và làm tăng lượng vốn mà công ty đã đầu tư vào liên doanh. Các doanh nghiệp nước ngoài thường tìm cách tăng chi phí quảng cáo và khuyến mại để giảm hoặc loại bỏ lợi nhuận, để lại rất ít cho doanh nghiệp trong nước.
Nhiều đối tác trong nước cũng phải trả nợ lãi cho các dự án bị trì hoãn. Theo các chuyên gia tính toán, mỗi ngày chậm trễ, Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội chịu chi phí khoảng 1,2 tỷ VND (52.000 USD) trong thanh toán lãi.
Cải cách pháp lý sẽ là chìa khóa. Việt Nam cần xây dựng luật chống chuyển giá và thu hẹp khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để tạo ra một sân chơi công bằng hơn. Cơ quan thuế ở địa phương nên được trao quyền để giám sát tốt hơn các công ty ở nước ngoài và việc tuân thủ luật pháp của họ.
Một cơ sở dữ liệu về thuế nên được thiết lập để theo dõi mọi thay đổi trong dòng thu nhập và doanh thu của họ. Đối với những doanh nghiệp nước ngoài không tuân theo luật, cần phải đưa ra các biện pháp xử phạt thích hợp, như giảm thời gian áp dụng mức thuế ưu đãi hoặc thậm chí tăng thuế.
Và Việt Nam sẽ cần phải nâng cao chuỗi giá trị, phải tìm cách thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công ty thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, cũng như các thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến.
Dòng vốn FDI của Trung Quốc phần lớn tập trung vào các ngành có rủi ro cao như nhiệt điện, thép, hóa chất và xi măng. Những khoản đầu tư này cần được sàng lọc vì chúng đòi hỏi đầu tư lớn, lượng năng lượng lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm quốc gia.