Hướng dẫn chuẩn bị lễ vật ngày vía thần tài chuẩn nhất

Nguyễn Phượng (T/h) |

Trong lễ vật cúng Thần Tài, gia chủ cần chuẩn bị hũ gạo, muối, nước, lọ hoa, bát nhang, đĩa bày trái cây và khay 5 chén nước.

Theo TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ngày Thần Tài là một tín ngưỡng thờ cúng thần của dân tộc Việt từ xa xưa, trong đó có phần chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh việc cúng lễ, hay mua vàng ngày Thần Tài sẽ đem lại may mắn và cả năm được sung túc. Đây chỉ là quan niệm dân gian và được truyền miệng cho nhau.

Dưới đây là một số quan niệm vẫn đang được lưu truyền về việc cúng vía Thần tài:

Hướng dẫn chuẩn bị lễ vật ngày vía thần tài chuẩn nhất - Ảnh 1.

Chuẩn bị lễ vật cúng ngày vía Thần Tài.

Trên bàn thờ nhất định phải có tượng Thần Tài, Ông Địa bằng sứ để thờ. Ngoài ra còn cần hũ gạo, muối, nước; lọ hoa; bát nhang; đĩa bày trái cây và khay 5 chén nước. Lễ vật cúng Vía Thần tài.

Lễ vật thường mua: 1 bình hoa, 1 con tôm, 1 con cá quả nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu để cúng lấy vía Thần Tài cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt. Dân gian cũng truyền rằng, Thần Tài rất thích món heo quay, chuối chín vàng.

Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng không nên dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được. Nên cúng Thần Tài bằng quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.

Ngoài ra, dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong mang trên người sẽ được may mắn quanh năm.

Ngoài ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, mọi người vẫn chọn mùng 10 âm lịch hàng tháng để cúng Thần tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó.

Những lưu ý khi cúng Thần tài:

Hiện nay, dân gian vẫn lưu truyền một số quan niệm về việc thực hiện nghi thức cúng Vía Thần Tài:

Đầu tiền là phải chọn tượng Thần Tài, Thổ Địa mặt tươi cười, mặt sáng sủa, tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý.

Tiếp đó, các gia chủ thường ngày đốt nhang mỗi sáng từ 6h – 7h và chiều tối từ 6h – 7h. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa và trưng thờ nải chuối chín vàng.

Dân gian cũng quan niệm tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần tài. Hàng tháng thường lau bàn thờ, tắm cho Thần tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần tài không được dùng vào việc khác.

Bài văn khấn Thần Tài (trích theo văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.

- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngày Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

- Con kính lạy Thần tài vị tiền.

- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là………………………………………

Ngụ tại………………………………………………

Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…………….

Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại