Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Vĩnh Kiên, đối với người Việt, tục thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên đã có từ hàng ngàn năm như một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian.
Vào mùng 1, ngày rằm hoặc các ngày lễ, đám cưới, đám hỏi, ma chay…, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, con cháu thường thành kính thắp lên ông bà nén nhang nhằm bày tỏ tấm lòng, tưởng nhớ về nguồn cội.
Ngoài ra, trong tâm tưởng người Việt, nén nhang chính là sự kết nối giữa con người và thế giới tâm linh. Chính vì thế, nhiều người vẫn quan niệm tàn nhang sau khi cháy xong vẫn đậu trên tăm nhang và uốn cong sẽ mang nhiều tài lộc và niềm vui cho gia đình.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, quan niệm hương cuốn tàn sau khi đốt mang lại tài lộc cho gia đình là sai lầm về mặt tâm linh.
"Phải khẳng định, tài lộc không tự nhiên có được mà phải dựa vào phúc đức của gia đình, vận số cá nhân, phong thủy hài hòa và quan trọng nhất là nỗ lực, phấn đấu, biết tính toán, cách làm ăn của bản thân.
Còn mấy tàn hương cong không thể gọi là giúp phát tài lộc cho gia đình hay cá nhân nào được", ông Kiên nêu rõ.
Ảnh minh họa.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, thực tế, để làm một cây nhang cuốn tàn rẻ hơn rất nhiều so với một cây nhang cháy hết, không đậu tàn theo cách làm truyền thống. Bởi nhang cuốn tàn chủ yếu sử dụng hóa chất còn hương truyền thống dùng các loại thảo mộc tự nhiên.
Các chuyên gia hóa học cho biết thêm, để có hương cuốn tàn, người sản xuất đã ngâm tẩm que hương vào hóa chất, nhằm giúp hương không mốc, không bị tắt giữa chừng, hoặc nhuộm phẩm vàng, đỏ để có màu tươi đẹp.
Và để hương không bị mốc dù để lâu, người sản xuất dùng thêm chất chống rêu mốc (dùng trong công nghiệp sản xuất sơn tường ngoài trời), khi đốt hương này khói của hương có mùi khét. Có nơi còn cho phẩm vàng để hương có màu vàng đẹp, bắt mắt.
Theo PGS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), tất cả các hóa chất đều nguy hiểm vì khi cháy sẽ tạo ra khí độc, con người hít phải sẽ bị căng thẳng mệt mỏi.
Chất độc lan tỏa còn kích thích đường hô hấp, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt, ảnh hưởng phổi, võng mạc, thị lực giảm nhanh.
Nếu hít nhiều và thường xuyên làn khói độc sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, có thể gây biến đổi tế bào gây dị sản, loạn sản (nếu là tế bào ác tính có thể biến thành tế bào ung thư).
Kinh nghiệm cho thấy, loại hương càng thơm nức (do hóa chất tạo mùi trầm, nhài, sen, hoa hồng...) cuốn tàn đẹp, giá rẻ hơn nhiều, loại hương tàn cong vút trắng đẹp và "có lộc" thì lại càng bị trộn nhiều hương liệu, hóa chất độc hại.
Nguy hiểm nữa là nhiều người có thói quen cắm que hương vào đồ ăn để dâng cúng, hóa chất ở cũng có thể gây ngộ độc cho người ăn, bởi chân que hương bị tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn.
Để chọn được loại hương Tết truyền thống an toàn, theo lời khuyên của chuyên gia Vĩnh Kiên, người tiêu dùng cần biết:
- Hương thảo mộc có màu vàng sậm tự nhiên - là màu của bột thảo mộc.
- Nạy một miếng bột hương, phần tăm hương sẽ lộ ra màu vàng sáng tự nhiên của tre.
- Mùi hương thơm dịu đặc trưng, không cay mắt, cháy đượm lâu (khoảng 90-180 phút/nén).
- Hương thảo mộc nên khi thắp khói bay thẳng, ở xa 2m gần như không thấy khói.
- Tăm hương truyền thống có màu nâu đen và sự sần sùi thô mộc.
- Hương thảo mộc để càng lâu càng thơm do thảo mộc đã ngấu.
Ngoài những đặc điểm trên, giá hương thảo mộc thường cao, và người tiêu dùng nên chọn mua hương có thương hiệu uy tín sẽ đảm bảo chất lượng hơn.