Huawei: Ông vua smartphone Trung Quốc trở về từ ‘bước đường cùng’, phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống, giờ vượt mặt iPhone lấy lại ngai vàng

Băng Băng |

Tháng 4/2023, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei đã ví von "Hoa mận thường nở rộ sau mùa đông giá lạnh" nhằm khẳng định tinh thần không chịu khuất phục của tập đoàn smartphone nổi tiếng Trung Quốc và vị lãnh đạo này đã đúng.

"Chúng tôi vẫn sống sót" là những gì mà Tao Jingwen, thành viên hội đồng quản trị Huawei thừa nhận vào tháng 4/2023 khi các nhân viên tại trụ sở công ty tập trung ăn mừng việc phát triển hệ thống phần mềm tự sản xuất của công ty thay thế cho sản phẩm mua của Mỹ.

Pha bào chữa bất thành của ông Jingwen diễn ra trong bối cảnh Huawei chỉ đạt lợi nhuận 35,6 tỷ Nhân dân tệ năm 2022, tương đương 5,2 tỷ USD và giảm 70% so với năm trước, đồng thời phá vỡ mức thấp kỷ lục của năm 2011.

Tại thời điểm đó, không ai nghĩ rằng Huawei có thể trở lại đỉnh vinh quang ngày xưa khi từng là hãng smartphone hệ điều hành Android lớn nhất thế giới về doanh số, đồng thời là ông trùm mảng 5G đình đám.

Thậm chí chính các giám đốc cấp cao của hãng cũng phải thừa nhận Huawei đang đi đến "bước đường cùng".

Huawei: Ông vua smartphone Trung Quốc trở về từ ‘bước đường cùng’, phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống, giờ vượt mặt iPhone lấy lại ngai vàng- Ảnh 1.

Vậy nhưng chỉ 1 năm sau, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã có câu trả lời cho các nhà đầu tư khi đòi lại ngai vàng của mình, vượt mặt iPhone cùng sự cấm vận công nghệ Mỹ.

Báo cáo sơ bộ cho thấy doanh thu năm 2023 của hãng đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 700 tỷ Nhân dân tệ bất chấp nhu cầu smartphone toàn cầu giảm tốc do ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Không những vậy, báo cáo của Counterpoint Research cho thấy doanh số của Huawei tăng đến 64% trong 6 tuần đầu năm 2024, còn iPhone của Apple lại giảm 24%. Thị phần điện thoại của Apple tại Trung Quốc đã giảm từ 19% năm 2023 xuống chỉ còn 15,7%, trong khi Huawei lại tăng lên 17%.

Huawei từ cánh phải đi đào mỏ, bán xe điện để sinh tồn thì giờ đây đang đòi lại ngôi vương của mình với những sản phẩm 5G tiên tiến và chip tự thiết kế khiến cả Phương Tây bất ngờ.

Đi đào mỏ bán xe điện để sống

Năm 2022 là một năm "đẫm máu" với Huawei khi chính những giám đốc cấp cao của Huawei cũng đã từng phải thừa nhận công ty bị dồn đến bước đường cùng và phải tìm mọi cách để sống sót sau khi chính quyền Washington hạn chế nguồn cung chip cũng như các thiết bị, linh kiện, máy móc liên quan cho tập đoàn này.

Thị trường viễn thông 5G mới là mảng tổn thất nặng nhất của Huawei khi lợi nhuận thuần chỉ đạt 35,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,18 tỷ USD, giảm đến 2/3 so với cùng kỳ năm 2021.

Đà giảm này được cho là cũng phá vỡ kỷ lục 44% của năm 2020 khi mảng 5G của Huawei bắt đầu bị Phương Tây tẩy chay.

Hãng tin CNN nhận định doanh thu năm 2022 của Huawei kém quá xa so với thời hoàng kim 891,3 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 129,72 tỷ USD năm 2019, mức cao kỷ lục khi hãng vẫn là nhà sản xuất smartphone hệ Android lớn nhất thế giới. Đó là chưa kể việc phải bán bớt mảng kinh doanh của mình năm 2021 để gom tiền chống đỡ khó khăn.

Huawei: Ông vua smartphone Trung Quốc trở về từ ‘bước đường cùng’, phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống, giờ vượt mặt iPhone lấy lại ngai vàng- Ảnh 3.

Trước đó vào năm 2019, Mỹ đã từng cáo buộc Huawei gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng bằng những thiết bị của mình. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi bà Meng, con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt và giam lỏng 3 năm tại Canada vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Mặc dù cáo buộc này đã bị bãi bỏ và bà Meng cũng đã trở về Trung Quốc vào năm 2021 nhưng những rào cản nhằm vào Huawei thì chưa bị dỡ bỏ.

Năm 2022, dù ảnh hưởng đã dịu đi đôi chút nhưng mảng kinh doanh hàng tiêu dùng bao gồm smartphone của Huawei vẫn giảm hơn 11% doanh thu xuống chỉ còn 214,5 tỷ Nhân dân tệ.

Việc trở thành mục tiêu nhắm tới của Mỹ tương tự như những gì đang diễn ra với Tiktok đã buộc Huawei phải đa dạng hóa kinh doanh, chuyển sang những mảng mới như điện toán đám mây, sản xuất ô tô...

Báo cáo của Huawei cho thấy doanh thu mảng điện toán đám mây đạt 45,3 tỷ Nhân dân tệ năm 2022 và đây là lần đầu tiên hãng tách số liệu của mảng này ra báo cáo riêng. Tập đoàn cũng đang hướng đến mở rộng sang mảng tài chính và khai khoáng để tìm đường sống bên cạnh ngành công nghệ.

Ngoài ra, Huawei cũng hợp tác với hãng xe hơi Seres để đi bán xe khi cho biết đổ 3 tỷ USD vào liên doanh này từ năm 2019 đến nay. Hiện dự án đang có khoảng 7.000 nhân viên nghiên cứu.

Huawei: Ông vua smartphone Trung Quốc trở về từ ‘bước đường cùng’, phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống, giờ vượt mặt iPhone lấy lại ngai vàng- Ảnh 4.

Năm 2023, Huawei tiếp tục hợp tác cùng Seres cho ra mẫu xe điện Aito M9 nhằm tiếp tục mở rộng các mảng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.

Bất chấp những khó khăn đó, vào tháng 4/2023, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei đã ví von "Hoa mận thường nở rộ sau mùa đông giá lạnh" nhằm khẳng định tinh thần không chịu khuất phục của tập đoàn smartphone nổi tiếng Trung Quốc.

Có lẽ chính nhờ tinh thần này mà Huawei đã gây sửng sốt cho toàn Phương Tây khi có cú trở về ngoạn mục.

Nhà vua trở về

Bất ngờ thay vào đầu năm 2024, Huawei cho ra mắt 2 dòng điện thoại 5G sử dụng phần lớn các linh kiện tự thiết kế, gây bất ngờ cho Phương Tây khi bị Mỹ cấm vận công nghệ.

Theo Yahoo Finance, hãng Huawei đang là nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc trong đầu năm 2024 nhờ ra mắt được các sản phẩm mới hấp dẫn hơn iPhone. Đây là một sự trở lại đầy ngoạn mục sau giai đoạn năm 2021-2022 đầy sóng gió.

Bô vi xử lý Kiri9000s trong smartphone 5G Mate 60 Pro của Huawei đã thực sự làm tò mò các chuyên gia Phương Tây về việc làm thế nào mà hãng có thể tiếp tục ra mắt dòng điện thoại cao cấp ngay cả khi gặp hạn chế về công nghệ.

Thậm chí chip trí thông minh nhân tạo (AI) Ascend 910B của Huawei đã nổi lên như một sự thay thế cho bộ xử lý đồ họa A100 được săn đón của công ty Nvidia vốn bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Sự thành công của Mate 60 Pro bất chấp những khó khăn đã cho thấy năng lực hồi phục của ngành công nghệ Trung Quốc", Phó chủ tịch Dan Hutcheson của TechInsights kinh ngạc.

Để làm được điều này, Huawei đã phải đổ rất nhiều tiền cho nghiên cứu cũng như nhận được hỗ trợ từ chính phủ.

Huawei: Ông vua smartphone Trung Quốc trở về từ ‘bước đường cùng’, phải đi đào mỏ, bán xe điện để sống, giờ vượt mặt iPhone lấy lại ngai vàng- Ảnh 5.

Số liệu cho thấy chi phí nghiên cứu (R&D) của hãng đã tăng 13,2% lên mức 161,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 23,5 tỷ USD và bằng ¼ doanh thu của công ty, mức cao nhất trong lịch sử hãng.

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết nhờ lượng đầu tư lớn chi tự nghiên cứu mà khoảng 13.000 thiết bị, linh kiện của hãng vốn phải nhập từ Mỹ thì nay đã được thay thế tính đến tháng 2/2023.

Với mục tiêu tự phát triển công nghệ, Trung Quốc đã hỗ trợ cho Huawei khoản ngân sách 6,55 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 948 triệu USD trong năm 2022, cao gấp đôi so với năm trước đó.

Ngoài ra, tập đoàn này còn nhận được những khoản hỗ trợ khác liên quan đến những dự án nghiên cứu trọng điểm với tổng trị giá 5,58 tỷ Nhân dân tệ, nhiều gấp 3 lần so với năm 2021.

Trong năm vừa qua, Huawei cho biết đã chi ¼ doanh thu cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).

Nhờ khoản tiền hỗ trợ khổng lồ này mà Huawei đã có một số thành công nhất định. Ví dụ như vào tháng 3/2023, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei cho biết các đối tác địa phương của mình đã có đột phá trong thiết kế máy tự động làm chip 14nm.

Rõ ràng, Huawei đã trở lại và lợi hại hơn xưa, đúng như những gì Phó chủ tịch Dan Hutcheson của TechInsights thừa nhận, đó là tiềm lực công nghệ của Trung Quốc rất lớn nên không dễ dàng gì mà "bắt nạt" được nền kinh tế 1,4 triệu dân này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại