Trên các nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc, động vật sống là một trong các món hàng bán chạy nhất. Như mọi món hàng, chúng được chuyển phát tới tận tay người mua, thông qua các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh. Nói cách khác, tất cả đều là chuyển phát trái phép.
Bắt đầu từ tháng 1/2021, "hộp mù thú cưng" đột ngột bùng nổ tại Trung Quốc
Phát hiện kinh hoàng
Vào ngày 3/5/2021, nhóm các nhà bảo vệ động vật ở Tây Nam, Thành Đô, Trung Quốc chặn một xe chở hàng ngay trong trung tâm Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Bởi vì, thùng xe của nó chất đầy "hộp mù" và phát ra tiếng kêu của động vật.
Hộp mù (blind box) là "hộp quà bí ẩn" được phát kiến bởi Tập đoàn Pop Mart, Trung Quốc. Đây là một công ty buôn bán đồ chơi, có 136 cửa hàng và 1001 máy bán hàng tự động trên khắp Trung Quốc. Sản phẩm của họ là mô hình tượng tí hon, mô phỏng các nhân vật game, hư cấu… đựng trong các hộp mù là một chiêu bài kinh doanh. Nó giữ bí mật mô hình ở bên trong, tạo cảm giác hồi hộp cho người mua khi "khui hàng".
"Hộp mù thú cưng" là biến tấu của hộp mù đồ chơi, nhốt và vận chuyển động vật sống
Với hộp mù, Pop Mart mở ra cơn sốt "đánh cược vận may" mới, khuấy động Trung Quốc. Hàng chục thương hiệu nổi tiếng, ví dụ như Starbucks, Budweiser, Dove, McDonald's, Luckin Coffee… đã áp dụng và thu hút được lượng khách hàng khổng lồ.
Luật Bưu chính Trung Quốc quy định, phải công khai hàng hóa và cấm chuyển phát động vật sống. Tuy nhiên, hộp mù vẫn "tung tăng" khắp đất nước. Trong xe hàng bị bắt ở Thành Đô có tổng cộng 160 chiếc hộp mù. Mỗi chiếc đều chứa một con vật, nhiều nhất là chó và mèo. Hầu hết các con vật đều đang trong tình trạng đói khát gần chết. Các nhà bảo vệ động vật phải lập tức cứu chữa, nhưng vẫn có 4 con bị chết.
Các "hộp mù thú cưng" bị phát hiện ở Thành Đô vào đầu tháng 5/2021
Ngày 11/5, Bưu điện Tô Châu, tỉnh Giang Tô đột ngột nhận được 13 hộp mù động vật. Nó được gửi từ một ngôi làng ở Giang Châu vào ngày 5/5, tới kho trung chuyển ở Thành Đô và bị phát hiện, gửi trả. Nhưng thay vì trả lại cho người gửi, các hộp mù bị chuyển nhầm vào bưu cục.
Ngửi thấy có mùi hôi thối bốc ra từ 13 hộp mù, các nhân viên bưu cục Tô Châu hốt hoảng gọi ngay cho cơ quan cơ quan chức năng. Khi các nhà chức trách đến và kiểm tra, họ thấy có 2 con vật đã bị chết. Ngày hôm sau, thêm 4 con nữa tử vong. Những con còn lại tuy sống sót, nhưng tình trạng sức khỏe cực kỳ tệ.
Quy định bưu chính lỏng lẻo
Chỉ cần lướt qua danh sách mặt hàng "sinh vật sống" của Taobao, bạn liền thấy có đủ các kiểu, từ phổ biến như chó, mèo, chim, gà, vịt… đến bất thường như ốc sên, giun đất… Người mua chỉ việc đặt hàng rồi yên ổn ở nhà chờ, "hàng hóa" sẽ bay đến tận cửa.
Chợ "pet" trực tuyến Trung Quốc đa dạng các loại thú, công khai giá bán
Như đã nói ở trên, Trung Quốc cấm vận chuyển động vật qua đường bưu điện. Dẫu vậy, "Tôi biết trong hộp mù mình phải giao là loại hàng gì," - một nhân viên của dịch vụ chuyển phát nhanh Yunda Express, Trung Quốc tiết lộ. "Bất cứ nhân viên nào vi phạm cũng bị phạt," - một nhân viên khác của Yunda Express tham gia. Có điều, ngay cả luật bưu chính cũng không nêu rõ các biện pháp xử lý đối với người vi phạm.
"Chúng tôi tuân thủ lệnh cấm buôn bán các loài động vật được bảo vệ," - Wang Minchao, nhân viên của Taobao lên tiếng. "Đối với vật nuôi, chúng tôi cũng chỉ cho phép giao dịch khi người bán có đủ các tài liệu cần thiết, trong đó có giấy chứng nhận kiểm tra và kiểm dịch."
Tuy luật bưu chính cấm chuyển phát động vật sống, nhưng chưa có quy định xử phạt rõ ràng
Trước đây, Trung Quốc chỉ có các trường hợp lén lút chuyển phát động vật sống. Song bắt đầu từ tháng 1/2021, nhiều nền tảng thương mại điện tử của họ trắng trợn quảng cáo "hộp mù thú cưng". Giống như hộp mù đồ chơi, hộp mù thú cưng cũng "hên, xui". Người mua có thể may mắn được thú cưng như ý, cũng có thể gặp phải loại ngoài mong đợi.
"Hầu hết các hộp mù nhốt chó đều khẳng định chúng là loài hiếm, đắt," - một nhà bảo vệ động vật ở Thành Đô cho biết. "Thực ra, tất cả chúng đều là chó thường. Người mua nếu thích thì nuôi, không thích thì gửi trả hoặc vứt bỏ."
Hoạt động mua bán không nhân đạo
Tháng 9/2019, Fu Shan (Bắc Kinh) đặt mua một con vịt trên Taobao. Chị nhận được hàng sau 3 ngày chờ và con vật chỉ sống được đúng nửa giờ. Nó bị bắt từ một trang trại ở thành phố Tây Nam, Trùng Khánh, phải trải 2000km vận chuyển, cuối cùng thiệt mạng vì đói khát và kiệt sức khi đã đến đích.
"Tôi đăng ký mua vì nhóc tì mới 1 tuổi của mình cứ đòi," - Shan chia sẻ. "Nhưng mua rồi, tôi hối hận khôn tả xiết. Cứ nghĩ đến chuyện con vịt nhỏ xíu này bị nhốt trong hộp kín, đói khát suốt 3 ngày, tôi lại xót xa."
Vì nỗi đau đớn này, Shan từ chối đề nghị "đền con khác" từ người bán. "Nếu tôi không đặt mua trực tuyến, chuyện tàn nhẫn như thế này đã không diễn ra," - chị tiếp tục. "Tôi không hiểu tại sao Taobao lại mở dịch vụ này".
Chỉ trong tháng 9/2020 và ở một trạm trung chuyển tại Hà Nam, Trung Quốc, các nhà bảo vệ động vật đếm được trên 5000 con vật các loại bị chết trong hộp mù.
Chỉ trong tháng 9 tại Hà Nam, Trung Quốc có 5000 vật nuôi bị chết trong hộp mù
Suốt 5 tháng đầu năm 2021, cư dân mạng Trung Quốc kịch liệt phản đối "hộp mù thú cưng". Họ nhận thấy, đây là hình thức kinh doanh quá độc ác. Ngoài ra, nhiều người còn lo lắng các động vật này chưa thông qua kiểm dịch, có khả năng lan truyền các loại virus nguy hiểm.
Đáng tiếc, cơn sốt "hộp mù thú cưng" chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Quảng Đông, một cửa hàng bán rùa cho biết vẫn đạt doanh số trên 300 con/tháng, với giá từ 20 - 1300 tệ/con (tương đương 70.000 - 4.660.000 VNĐ).