"Có đầy đủ lý do để tin rằng mô hình 'một quốc gia, hai chế độ' sẽ không thay đổi sau năm 2047", bà Lam nói trong lần đầu tiên xuất hiện tại Hội đồng Lập pháp trong năm 2020.
Lãnh đạo Hong Kong khẳng định việc hiểu và thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải duy trì "nền tảng một quốc gia" và tôn tọng sự khác biệt của "hai chế độ". Bà cũng kêu gọi giới trẻ Hong Kong, những người đi đầu trong các cuộc biểu tình kéo dài hơn 7 tháng qua không vi phạm nguyên tắc này vì những hiểu lầm nhất thời.
"Kịch bản mà họ lo lắng về ngày hôm nay có thể sẽ bị chính tay họ kích hoạt", bà nói.
Cũng tại cuộc họp Hội đồng Lập pháp mới đây, bà Lam tiếp tục bác bỏ cáo buộc về hành động bạo lực của cảnh sát, vốn được xem là một trong những nguồn cơn kích động cơn giận dữ của người biểu tình.
"Tôi không nhận các cáo buộc cảnh sát sử dụng bạo lực trong quá trình xử lý bất ổn xã hội suốt 7 tháng qua. Thật không may trong vài tháng qua, chúng ta phải thấy tình trạng cảnh sát Hong Kong liên tục bị bôi nhọ với ý định làm suy yếu khả năng thực thi pháp luật của lực lượng cảnh sát", bà nói thêm.
Hong Kong nhiều tháng qua chìm trong hỗn loạn vì biểu tình. Hàng nghìn người dân đặc khu này đổ xuống đường tuần hành, phản đối sự can thiệp quá sâu của Trung Quốc đại lục bất chấp những lời hứa về quyền tự trị.
Người Hong Kong khẳng định họ vẫn sẽ biểu tình cho tới khi được đáp ứng 5 yêu cầu, trong đó có một cuộc điều tra độc lập đầy đủ về hành động bạo lực quá mức của cảnh sát.
Anh trao quyền kiểm soát Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 trên cơ sở Tuyên bố chung ký với Bắc Kinh, trong đó đảm bảo các quyền tự do của đặc khu này tới năm 2047 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".