Trước đó, vào ngày 4/3, cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị phát hiện bất tỉnh tại bãi đỗ xe ở Salisbury (Anh). Theo giới chức Anh, hai cha con đã bị nhiễm chất độc thần kinh chết người sản xuất từ thời kỳ Xô viết.
Trong một vài tuần sau đó, Chính phủ Anh liên tục khẳng định sức khỏe của hai cha con đã được “ổn định nhưng vẫn còn nguy kịch”. Theo thông tin mới nhất đưa ra ngày 29/3, cô Yulia đã cảm thấy khá hơn, “hồi phục một cách nhanh chóng” và có thể nói chuyện.
Tuy nhiên, theo lịch sử trạng thái hoạt động tài khoản của Yulia trên trang mạng xã hội phổ biến nhất nước Nga – trang VKontakte (VK.com) - lần cuối cùng “tài khoản được đăng nhập là vào ngày 7/3” – tức là ba ngày sau khi cô cùng cha bị hạ độc và vẫn được thông tin là “trong tình trạng nguy kịch”.
Hiện chưa rõ liệu có phải chính Yulia đăng nhập vào tài khoản của mình trong lần cuối hoạt động đó hay không, vì rất có thể mật khẩu đăng nhập của cô được bạn bè, hay người thân, hoặc thậm chí nhân viên điều tra tìm ra.
Giống như mọi thành viên trên trang VK, Yulia Skripal phần lớn sử dụng tài khoản của mình để đăng hình vui nhộn, lời khuyên về tình yêu và cuộc sống, tranh ảnh động vật…
Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga. Anh luôn lên tiếng đổ lỗi Nga đứng sau âm mưu vụ tấn công ở Salisbury. Tuy nhiên, khi được phía Nga đề nghị hợp tác điều tra, giới chức London lại từ chối.
Các nhân viên lãnh sự của Nga liên tục bị ngăn cản tiếp cận với hai nạn nhân, mặc dù cả hai cha con ông Skripal đều là công đân Nga. Về tình trạng sức khỏe của hai cha con Skripal, Anh cũng giữ bí mật ngay từ đầu và không công bố bằng chứng Nga liên quan đến vụ việc.
Về phần mình, Điện Kremlin luôn bác bỏ mọi lời cáo buộc. Thậm chí trong ngày 1/4, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cho biết Moskva tin rằng chính Anh mới là thủ phạm thực sự của vụ tấn công. “Chúng tôi nghiêm túc nghi ngờ sự vụ khiêu khích này là do tình báo Anh thực hiện”.
Căng thẳng hai nước leo thang đỉnh điểm khi chính quyền Anh và Nga ra quyết định trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Đến nay, trên 150 nhà ngoại giao Nga đã bị yêu cầu rời khỏi các nước Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều quốc gia khác.
Nga cũng đã đáp trả bằng việc triệu đại sứ của các quốc gia có hành động không thân thiện với Nga tới để thông báo trục xuất số lượng tương ứng các ngoại giao của các nước này.
Link bài gốc tại đây.