Được tổ chức UNESCO công nhận là một Di sản Thế giới vào năm 1988, hòn đảo Henderson thuộc quần thể Pitcairns ở vùng biển Nam Thái Bình Dương là một trong những nơi nguyên sơ nhất còn sót lại trên thế giới.
Hòn đảo Henderson mang vẻ đẹp nguyên sơ.
Nơi đây nguyên sơ đến mức rất ít khi được con người ghé thăm kể cả cho mục đích nghiên cứu. Thế nhưng trong 1 lần thám hiểm, Jennifer Lavers - nhà sinh thái hải dương đến từ Đại học Tasmania thông báo rằng, hòn đảo xinh đẹp này lại đang gánh chịu khoảng 17,6 tấn rác thải.
Trong suốt 3 tháng ở hòn đảo Henderson, Jennifer cùng đồng nghiệp đã thực hiện những nghiên cứu về môi trường sinh thái. Và bạn tin không, con số 17,6 tấn rác thải kia đều trôi dạt từ biển vào đấy.
Càng tìm hiểu, Lavers và Alexander Bond - một nhà khoa học bảo tồn từ Hiệp hội Hoàng gia về bảo vệ các loài chim càng ngỡ ngàng trước mật độ rác cao được ghi nhận trên hòn đảo.
Theo những tính toán của họ, mỗi mét vuông bờ biển của hòn đảo phải nhận thêm khoảng 27 mẩu rác thải mỗi ngày, và con số 17,6 tấn rác kia tăng lên mỗi ngày.
Đảo Henderson là 1 trong những đảo nguyên sơ nhất trên thế giới nhưng rác thải trôi dạt vào đã biến nó trở thành một bãi rác đúng nghĩa.
David Barnes, một nhà sinh thái hải dương nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm nhựa rác thải tại tổ chức British Antarctic Survey cho rằng, con số này thật “đáng sợ".
Barnes chia sẻ: “Trong vòng chưa tới một thế kỷ, nhựa đã thay đổi quá nhiều bộ mặt của thế giới tự nhiên. Ngay cả khi bắt đầu từ lúc này, chúng ta có thể sẽ phải dành nhiều thế kỷ để giải quyết những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất.
Thật không may, những khu vực nguyên sơ đang trở thành bằng chứng cho mức độ trầm trọng của vấn đề này, với môi trường sinh thái và đối với chính con người".
Nhưng bạn biết không, con số 17,6 tấn rác thải trên đảo Henderson vẫn chưa thấm vào đâu so với tổng lượng rác thải nhựa trên toàn hành tinh này.
Thực tế, cứ mỗi 2 giây loài người đã tạo ra một lượng rác thải tương đương với số rác trên hòn đảo xinh đẹp kia. Người ta ước tính khoảng 5 triệu tỷ miếng rác thải nhựa đang trôi nổi khắp các đại dương, nhưng ta không thể biết được chúng lưu lạc nơi đâu cho tới khi chúng trôi dạt vào một vị trí cụ thể nào đó.
Nghiên cứu của các nhà khoa học như Jennifer Lavers đã chỉ ra, hòn đảo hoang sơ như Henderson có thể đang dần biến thành những bãi rác không chủ đích của con người.
Hàng trăm con cua đang làm nhà bằng những mảnh nhựa vỡ như thế này trên đảo Henderson.
Lavers và Bond đang tìm cách để góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Những nghiên cứu của ông có một ưu điểm là tiết kiệm chi phí hơn việc vớt rác thải trên khắp các đại dương. “Dấu vết của con người hiện hữu ở khắp mọi nơi, và nó để lại ảnh hưởng sâu sắc hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng ta" - Lavers cho biết.
Ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Theo những thống kê của trang EcoWash (Mỹ), một chiếc túi nilon sẽ phải mất từ 500 - 1.000 năm để phân huỷ và có khoảng 90% lượng rác thải đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương là rác thải nhựa.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm này, chúng ta hãy hành động ngay hôm nay với vài tips nhỏ dưới đây:
- Luôn mang theo túi/làn đi chợ thay vì sử dụng túi nilon
- Mang theo chai nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai
- Không sử dụng ống hút
-Tránh các loại sửa rửa mặt, mỹ phẩm có chứa các chất như polypropylene hay polyethylene.
- Không sử dụng dao cạo 1 lần
Nguồn: Popsci, Treehugger