Theo ước tính, con người sử dụng hàng nghìn tỷ túi nilon và hàng trăm tấn nhựa mỗi năm. Những con số khổng lồ trên đã cho thấy thách thức môi trường mà con người phải đối mặt.
Loài sâu có khả năng "cứu rỗi" Trái Đất khỏi rác thải nhựa.
Các nhà khoa học mới đây đã tìm thấy một giải pháp "hoàn hảo" để giải quyết và ứng phó với thách thức môi trường này, đó là một loài sâu bướm sáp có khả năng ăn nhựa.
Chúng là loài sâu bướm sáp có khả năng ăn cả túi nylon và chất thải nhựa thay vì ăn lá cây bình thường. Sau khi ăn loại thức ăn "dị thường" này, nó còn thải ra một loại cồn trong suốt nhưng không hề gây hại cho môi trường.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Y sinh và Công nghệ sinh học Cantabria ở Tây Ban Nha đã khám phá ra khả năng đặc biệt của loài sâu này một cách tình cờ khi họ phát hiện túi nhựa chứa con sâu nhỏ nhanh chóng bị thủng các lỗ.
Chiếc túi bị phân hủy nhanh chóng đến mức không tái sử dụng được chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Sâu bướm có khả năng ăn nhựa siêu nhanh.
Tiến sĩ Federica Bertocchini, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng ấu trùng của loài bướm vô cùng phổ biến – Galleria mellonella, có khả năng phân hủy loại nhựa cứng và bền nhất hiện nay là polyethylene".
Mặc dù loài sâu này thường không ăn nhựa, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng đây là một khả năng phụ bên cạnh thói quen tự nhiên của chúng.
Theo các chuyên gia, loài sâu bướm được tìm thấy rộng rãi ở châu Âu và khu vực Đông Bắc Mỹ. Trứng của loài sâu này thường thấy ở trong các tổ ong.
Ấu trùng sâu bướm có khả năng đẩy lùi rác thải nhựa. Ảnh: SWNS
Báo cáo khoa học trên Current Biology cho biết, ấu trùng sâu bướm nở ra và lớn lên trong sáp ong, nơi được cho là chứa nhiều hỗn hợp của các chất béo.
Các chuyên gia nhận định, rất có thể việc phân hủy sáp ong so với nhựa polyethylene có quá trình phá vỡ liên kết hóa học tương tự nhau.
Tiến sỹ Bertocchini cho biết: "Sáp ong là một lọai polymer, một loại nhựa tự nhiên và có cấu trúc hóa học không khác gì polyethylene".
Các nhà khoa học cho biết, loài sâu này có thể giúp đưa ra giải pháp công nghệ sinh học để quản lý chất thải polyethylene.
Hiện các chuyên gia đang nỗ lực lên kế hoạch để đưa phát hiện đặc biệt này thành một phương pháp hữu hiệu để loại bỏ chất thải nhựa và tiến tới giải pháp "giải cứu" môi trường toàn cầu khỏi sự tích tụ nhựa đang gây nhức nhối.
Ảnh/ Nguồn: Dailymail