3 trung đoàn tiêm kích đa năng Su-30MK2: Thế là đủ!
Như vậy là đến giờ này kế hoạch xây dựng 3 trung đoàn tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành. Lô máy bay cuối cùng trong hợp đồng thứ 4 (12 chiếc) mới được phía Nga bàn giao cách đây không lâu. Trước đó, Việt Nam đã lần lượt ký các hợp đồng mua 4, 8 và 12 chiếc Su-30MK2.
Các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 được đưa vào biên chế, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đã khiến Không quân Việt Nam có sự thay đổi căn bản về chất với những máy bay hiện đại, khi phối hợp cùng các máy bay Su-27 hay Su-22, chúng đã tạo ra sức mạnh răn đe rất lớn.
Với 3 trung đoàn gồm 36 chiếc Su-30MK2, cho thấy nhu cầu của Việt Nam về dòng máy bay thiên về đối hạm có lẽ cơ bản được đáp ứng. Số lượng không nhiều, nhưng sẽ giúp các cấp chiến lược dễ tính toán hơn khi bố trí và sử dụng lực lượng chi viện cho biển, đảo.
Công tác đào tạo luôn được chú trọng khi Tập đoàn Sukhoi cử sang Việt Nam những phi công thử nghiệm và phi công huấn luyện bay siêu cấp, trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng, bay kèm nâng cao kỹ thuật lái cho các phi công Su-30MK2 Việt Nam.
Giới chức lãnh đạo cao cấp của Sukhoi lần lượt hé lộ cùng truyền thông Nga rằng tới đây Việt Nam sẽ mua sắm các máy bay thế hệ mới hơn, và cũng vì thế, nhiều khả năng Tập đoàn sẽ dừng dây chuyền sản xuất Su-30MK2.
Trong khi đó, Tại Lễ tốt nghiệp Kỹ sư Kỹ thuật hàng không năm 2015, Thiếu tướng Trần Văn Thanh - nguyên GĐ Học viện PK - KQ động viên các sĩ quan nỗ lực học hỏi để làm chủ vũ khí trang bị hiện đại hơn Su-30MK2.
Tiêm kích của Tập đoàn Sukhoi luôn giành được sự tín nhiệm rất cao.
Hơn lúc nào hết, nhu cầu về một loại máy bay tiêm kích đa năng hiện đại thiên về đối không và đối đất ngày càng trở nên rõ nét hơn. Ứng viên có khá nhiều, kể cả của phương Tây như JAS-39, Rafale, hay thậm chí là máy bay chiến đấu từ Mỹ, tuy nhiên, còn hơi sớm khi bàn đến bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Trong khi đó, có một vài ứng viên sáng giá tới từ những người bạn truyền thống, đã, đang và sẽ giành cho Việt Nam những ưu đãi "ngoài sức tưởng tượng!
Bất ngờ với "Diễn đàn Su-30": Việt Nam ngắm Su-30MKI!
Thực sự là với những người yêu quân sự, đôi khi cũng khó có thể hình dung được rằng cái gọi là "Diễn đàn Su-30" đã được thành lập. Bất ngờ hơn nữa, "nó" lại đạt được sự đồng thuận cực cao từ cả hai phía Ấn Độ và Malaysia.
Theo đó, Ấn Độ đã xuất khẩu các thiết bị điện tử hàng không cho máy bay chiến đấu Su-30MKM của Malaysia (tương tự phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ) và 2 nước đã đồng ý thiết lập một "diễn đàn Su-30" vào tháng 11 năm ngoái để trao đổi thông tin về công tác huấn luyện, bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật.
Su-30MKI của Ấn Độ thực hành tiếp dầu trên không.
Do Ấn Độ đã bắt đầu đào tạo phi công Su-30MK2 Việt Nam nên nếu không có những phát sinh, can thiệp đột biến từ bên ngoài, rất có thể một thỏa thuận tương tự sẽ mời gọi Việt Nam. Với quan hệ địa - chính trị - quân sự ví như "anh, em" giữa hai quốc gia có quá nhiều điểm tương đồng, nếu Ấn Độ đề nghị, Việt Nam sẽ "gật".
Thậm chí, vượt trên cả việc đào tạo phi công họ Su-30 cho Việt Nam, Ấn Độ hoàn toàn có thể đề nghị trang bị cho Không quân ta Su-30MKI, một trong những dòng tiêm kích đa năng hiện đại nhất Thế giới. Tại sao vậy?
Thứ nhất, Su-30MKI nội địa hóa của Ấn Độ đang được sản xuất hàng loạt dưới sự giúp đỡ "trên cả tuyệt vời" của Nga, lại được tích hợp nhiều khí tài tối tân của các nước phương Tây như Pháp, Israel, tạo ra sự vượt trội đáng kể so với các loại máy bay của Nga và NATO đã và sẽ đưa vào trang bị.
Hiệu quả chiến đấu đã được minh chứng khi Su-30MKI liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng trong nhiều cuộc diễn tập đối đầu trên không. Anh, Mỹ - những quốc gia sở hữu nhiều loại máy bay tiêm kích hàng đầu thế giới và khiến đội phi công chiến đấu sừng sỏ bậc nhất cũng phải ngả mũ kính phục.
Chắc chắn, các phi công tiêm kích Su-30 của Việt Nam đang học tập tại Ấn Độ sẽ được truyền thụ và thu nhận được ít nhiều kinh nghiệm thành công của nước bạn.
Thứ hai, giá thành hợp lý. Không như các dòng máy bay của Mỹ, Pháp mà Ấn Độ đã và đang được chào bán, Su-30MKI lại có giá phải chăng, và nhất là họ lại được Nga chuyển giao công nghệ để nội địa hóa, tự chủ được nhiều mảnh ghép đặc biệt trong tổng thành xây dựng nên Su-30MKI.
Điều này thực sự có ý nghĩa với Ấn Độ khi định "ép" Pháp làm điều tương tự khi mà dòng tiêm kích đa năng Rafale của nước này giành được hợp đồng trị giá hơn 10 tỷ USD. Tất nhiên, vì một số lý do mà Pháp đã từ chối, khiến một trong những hợp đồng mua sắm quốc phòng lớn nhất bị đổ bể.
Thứ ba, quan trọng bậc nhất là Su-30MKI phiên bản mới được có khả năng mang được tên lửa diệt hạm siêu âm Brahmos, tạo thành sức răn đe và khả năng đối phó ở mức cao đối với các mối đe dọa từ phía biển.
Trong khi đó, tên lửa Brahmos đang được Ấn Độ ráo riết chào bán cho Việt Nam. Chưa "gật" hay "lắc", nhưng xét một cách logic, nếu Việt Nam mua Brahmos thì chắc chắn phải đi kèm phương tiện mang phóng. Đương nhiên, cặp đôi Su-30MKI và Brahmos sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo.
Chưa kể, trên mặt trận đối không, Su-30MKI là đối thủ mà hầu như không lực lượng nào muốn đối đầu bởi tính năng thao diễn tuyệt với, radar và hệ thống máy tính - điện tử hàng không cực mạnh của nó.
Su-30MKI của Ấn Độ (trái) đã xuất sắc đánh bại tiêm kích đa năng EF-2000 của KQ Hoàng gia Anh.
Không quân Hoàng gia Anh đã phải muối mặt nhận thua "trắng" khi đem loại tiêm kích hiện đại nhất của mình đọ sức cùng Su-30MKI của Ấn Độ.
Cho dù đây đó vẫn còn những sự cố đáng tiếc xảy ra với Su-30MKI, nhưng về mặt tổng thể, chả phải Không quân Nga, Mỹ cũng thường xuyên gặp phải đấy hay sao?
Chương trình hiện đại hóa không quân với Su-30MK2 về cơ bản đã hoàn thành, đến lúc "nhìn xa, thấy sớm" đi tắt đón đầu bằng loại máy bay tiêm kích đa năng thế hệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, thiên về khả năng tiêm kích phòng không và tiến công "phẫu thuật" chính xác trên mặt đất.
Cùng là xuất khẩu vũ khí, nên dù có đi qua ngả Ấn Độ thì chắc phía Nga vẫn được lợi. Thế nên, nếu Ấn Độ quyết tâm bán và tạo nhiều ưu đãi; Việt Nam sẵn sàng mua, không lẽ Nga sẽ "lắc đầu" với cả hai bạn hàng truyền thống tin cậy?
Hy vọng, trong một ngày không xa, thế hệ tiêm kích tiếp theo sẽ chính thức được nêu tên. Mặc dù Su-30SM hay Su-35 là những đối thủ nặng ký, nhưng, Su-30MKI ơi, Việt Nam đang mời gọi! Hãy về với đội của chúng tôi!