Trong số này, có 14 công ty đặt tại Virgin nước Anh, 11 công ty tại quần đảo Cayman và nhiều công ty khác đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook. Đây hầu hết đều là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế do mức thuế ưu đãi và việc lập doanh nghiệp tại những nơi này cũng dễ dàng.
Hồ sơ Paradise có mục đích để cảnh báo nguy cơ trốn thuế, lách thuế của các cá nhân tổ chức thông qua các giao dịch xuyên quốc gia. Năm 2016, hơn 200 cá nhân, tổ chức của Việt Nam cũng bị nêu tên trong hồ sơ này.
Theo dữ liệu trên địa chỉ offshoreleaks.icij.org, một số tổ chức, cá nhân trong hồ sơ có liên quan tới những cái tên và địa danh khá nổi tiếng như: Phu Quoc, Hoi An, Furama, Ha Noi, TP.HCM…
Những công ty có chữ Việt Nam cũng xuất hiện trong Hồ sơ Paradise như Creativity Investment Vietnam Ltd, Vietnam International School Investment Company Incorporated, SGL Vietnam Asset Limited...
Trong Hồ sơ Paradise có nhiều cái tên của các nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, những gã khổng lồ về công nghệ và các quan chức chính phủ. Trong số này, có cả Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Thái tử Charles, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, các công ty như Twitter, Facebook, Apple, Nike... và nhiều nhân vật tên tuổi khác.
Trước đó, vào tháng 4.2016, ICIJ cũng cho công bố Hồ sơ Panama gồm 11.5 triệu tài liệu mật được tạo ra bởi nhà cung cấp dịch vụ của công ty Panama Mossack Fonseca cung cấp thông tin chi tiết về hơn 214.000 công ty, bao gồm cả danh sách của các cổ đông và các giám đốc. Những cá nhân và các cơ quan bị nhận diện bao gồm nhiều nhà chính trị và các tổ chức giàu có và nhiều thế lực của nhiều quốc gia.
Theo dữ liệu trong Hồ sơ Panama được công bố (không bao gồm dữ liệu cũ từ Offshore Leaks), có 7 pháp nhân hải ngoại liên quan đến các cá nhân hay công ty Việt Nam, 99 cá nhân liên quan đến Việt Nam (bao gồm cả tên người Việt Nam và tên người nước ngoài), 6 cá nhân/công ty trung gian liên quan đến Việt Nam.