Công nghệ nhận diện gương mặt đang định hình lại cách người tiêu dùng Trung Quốc thanh toán hóa đơn, cũng như thanh toán di động đã làm được cách đây vài năm.
Tại các cửa hàng, ngày càng nhiều người mua hàng thanh toán bằng cách dùng gương mặt mình, trong khi những người đi làm bằng vé tháng "thanh toán bằng gương mặt của họ" tại các bến tàu điện.
Ở một quốc gia nơi thanh toán di động đã lan tỏa như một cơn lốc trong những năm vừa qua, hơn 1.000 cửa hàng đã bắt đầu lắp đặt một hệ thống thanh toán bằng gương mặt và đã có hơn 100 triệu người Trung Quốc đăng ký sử dụng công nghệ này.
Trong khi việc sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt đang mang lại sự tiện lợi lớn hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc, nhiều người đang cảnh báo về việc Bắc Kinh ngày càng mở rộng việc theo dõi công dân tới mức độ đáng cảnh báo, đối với những người quan tâm đến quyền riêng tư.
Tăng trưởng như vũ bão của thanh toán bằng nhận diện gương mặt
Để nhận được những tiện ích này, đầu tiên người dùng cần đăng ký ảnh chụp gốc của mình với ứng dụng smartphone của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bằng gương mặt. Một quy định mới yêu cầu từ tháng Mười Hai tới đây, người tiêu dùng phải đăng ký ảnh chụp gương mặt của mình với nhà cung cấp dịch vụ di động.
Trong tháng Năm vừa qua, chuỗi cửa hàng Seven Eleven đã giới thiệu công nghệ thanh toán bằng gương mặt trong cửa hàng của mình, chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc, bao gồm tỉnh Quảng Đông. Khoảng 1.000 cửa hàng Seven Eleven đã bắt đầu sử dụng hệ thống này, cho phép khách hàng thanh toán chỉ bằng cách quét gương mặt tại máy thanh toán.
Theo báo cáo từ nhà điều hành chuỗi, khoảng 10% khách hàng tại các cửa hàng Seven Eleven trong những quận kinh doanh thuộc Quảng Châu đã mua hàng bằng hệ thống thanh toán gương mặt.
Ngay cả các nhà hàng nhỏ cũng dùng công nghệ, cũng như một lượng ngày càng tăng các máy bán hàng tự động.
Gương mặt giờ được dùng để thay cho vé tàu.
Dưới sự thúc đẩy của chính phủ, phần mềm nhận diện gương mặt đang được chấp nhận ngay cả các ga tàu điện ngầm để hành khách sử dụng gương mặt mình như vé lên tàu.
Hệ thống mới lắp đặt tại các ga tàu điện ngầm ở tỉnh Quảng Châu trong tháng Chín vừa qua đã mang lại "hành trình thông suốt qua cửa soát vé ngay cả trong giờ cao điểm", một phụ nữ 23 tuổi làm việc trong thành phố cho biết.
Hành khách có thể đi qua cửa soát vé chỉ bằng cách nhìn vào máy tính bảng được nhúng sẵn hệ thống quét vé. Nếu đã đăng ký gương mặt mình với ứng dụng smartphone, họ thậm chí còn không cần mang theo điện thoại di động để trả tiền vé.
Hệ thống mua vé bằng nhận diện gương mặt cũng đã được giới thiệu tại các thành phố lớn khác bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Hệ thống này dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi trong năm tới.
Giá trị của thanh toán di động tại Trung Quốc đang đạt gần 200 nghìn tỷ Nhân dân tệ (28 nghìn tỷ USD) mỗi năm. Nhưng một số nhà phân tích dự báo rằng gương mặt sẽ được người dùng Trung Quốc lựa chọn để thay thế cho điện thoại di động trong hoạt động thanh toán vào 2 năm nữa.
Các máy thanh toán bằng gương mặt đang thay thế cho điện thoại.
Những nền tảng thanh toán di động chính tại Trung Quốc như Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent đều hỗ trợ các hệ thống thanh toán bằng gương mặt. Phương pháp thanh toán này có tốc độ nhanh hơn, dễ dùng hơn và mượt mà hơn thanh toán di động hay xác thực vân tay.
Không chỉ vậy, xu hướng này còn đang tiếp sức cho hàng loạt các startup AI Trung Quốc về công nghệ nhận diện gương mặt, bao gồm cả Megvii Technology, được thành lập năm 2011. Ngoài ra còn có các startup khác bao gồm SenseTime và Yitu. Đây đều là các startup kỳ lân được định giá hơn 1 tỷ USD.
Những lời chỉ trích từ chính truyền thông Trung Quốc
Nhưng cùng lúc với việc công nghệ nhận diện gương mặt đang càng hoàn thiện hơn, nó cũng làm gia tăng nỗi lo về việc giám sát của nhà nước, xâm phạm quyền riêng tư và khả năng bị lạm dụng tăng cao.
Nhưng nó cũng gây ra nỗi lo về việc lạm dụng và biến thành công cụ giám sát.
Trong tháng Chín, Megvii cam kết chấp nhận sự giám sát của xã hội về nỗ lực của họ về việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng, sau khi họ hứng chịu nhiều lời chỉ trích về dự định dùng công nghệ nhận diện gương mặt của mình như một giải pháp giám sát hành vi học sinh trong lớp học. Hệ thống sử dụng nhiều camera gắn trong lớp học để giám sát chặt chẽ hành vi của sinh viên, ví dụ để xem họ có tập trung học hay không.
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích hệ thống này vì cho rằng nó sẽ gây quá nhiều áp lực lên sinh viên.
Ngoài ra, theo một bộ luật tình báo có hiệu lực vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc có quyền nắm giữ bất kỳ dữ liệu riêng tư nào thuộc sở hữu của các công ty. Luật quy định rằng các công ty ở Trung Quốc phải cung cấp thông tin họ có cho chính phủ khi an ninh quốc gia bị lâm nguy.
Trong khi đang tăng trưởng như vũ bão tại Trung Quốc, công nghệ nhận diện gương mặt lại nhận được nhiều ánh mắt nghi ngại ở phần còn lại của thế giới. Mỹ và châu Âu đã áp đặt nhiều quy định hạn chế ngặt nghèo đối với việc sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt do các lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư và quyền con người.
Từ năm 2018, bộ luật GDPR của Liên minh châu Âu đã cấm thu thập dữ liệu sinh trắc học, bao gồm dữ liệu nhận diện gương mặt có thể sử dụng cho việc xác định các cá nhân.
Còn tại Mỹ, bốn thành phố, bao gồm San Francisco đã quyết định hạn chế cảnh sát và các tổ chức công cộng khác sử dụng các hệ thống nhận diện gương mặt.
Tham khảo Nikkei