Hôm nay xét xử Đoàn Thị Hương: Nhiều câu hỏi chờ được giải đáp

Trúc Quỳnh |

Đoàn Thị Hương và cô gái Indonesia bị cáo buộc sát hại người đàn ông được cho là anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ bị xét xử vào hôm nay (2/10). Phiên tòa được trông đợi sẽ giải mã vụ sát hại bí ẩn đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.

Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, và Siti Aisyah, 25 tuổi, bị cáo buộc đã áp chất độc thần kinh VX vào mặt người đàn ông được cho là ông Kim Jong-nam, khiến nạn nhân tử vong.

Vụ việc gây rúng động thế giới và gây ra vụ tranh cãi kịch liệt giữa Triều Tiên và Malaysia – một trong số ít quốc gia vẫn còn giữ quan hệ tốt với Bình Nhưỡng trong bối cảnh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây báo động trên toàn cầu.

Nạn nhân người Triều Tiên chết khoảng 20 phút sau vụ tấn công vì VX – chất độc mạnh bị liệt vào danh sách vũ khí giết người hàng loạt – nhanh chóng tác động vào hệ thần kinh trung ương. Hai người phụ nữ bị camera an ninh ghi hình và bị bắt không lâu sau đó nói rằng họ bị lừa.

Các luật sư bào chữa cho rằng những thủ phạm thực sự đã rời khỏi Malaysia và có dư luận cho rằng hai cô gái này có thể trở thành “vật tế thần”.

Những lần xuất hiện của Hương và Aisyah tại các phiên tòa trước đều được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Họ phải mặc áo chống đạn và bị còng tay trước con mắt của hàng loạt phóng viên quốc tế. Phiên xét xử được theo dõi chặt chẽ bắt đầu hôm nay tại tòa án thượng thẩm Sham Alam, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp xung quanh vụ sát hại này.

Một số câu hỏi được đặt ra là bằng cách nào mà hai người phụ nữ trong cả đội quân lao động nhập cư ở Malaysia lại dính dáng đến một vụ sát hại mang tính chính trị cao như vậy, hay làm sao mà một chất độc thần kinh được sử dụng ở sân bay đã sát hại người đàn ông được cho là ông Kim Jong-nam nhưng không làm hại bất cứ người nào khác.

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ việc này, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ.

“Cả hành tinh đang theo dõi”

Những công việc chuẩn bị cho phiên tòa hôm nay đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các luật sư bào chữa cho hai nữ nghi phạm.

Một số người Triều Tiên liên quan đến vụ việc đã rời Malaysia ngay sau khi vụ sát hại xảy ra, còn một số người khác được phép về nước sau đó để giải tỏa cuộc khủng hoảng ngoại giao. Lực lượng luật sư bào chữa cho rằng các công tố viên cố ý trì hoãn giao các tài liệu chủ chốt để họ có thể bào chữa cho thân chủ của mình.

Luật sư của Aisyah, ông Gooi Soon Seng, nói rằng việc chính quyền Malaysia không hợp tác nghĩa là các nghi phạm có thể đối mặt với phiên xét xử kiểu “phục kích”. “Cách cảnh sát thực hiện vụ điều tra này bị bao trùm bởi bức màn bí ẩn”, ông Gooi nói với phóng viên. Ông cũng nói rằng có “những yếu tố chính trị” trong vụ việc.

Nhưng các công tố viên khẳng định hai cô gái sẽ được xét xử công bằng. “Đối với tôi, đây cũng là phiên tòa xét xử tội giết người – chúng tôi sẽ dựa trên bằng chứng”, công tố viên Muhamad Iskandar Ahmad nói với các phóng viên. “Chúng tôi hiểu rằng cả hành tinh đang theo dõi chúng tôi, chúng tôi không thể quay lưng với thực tế và bằng chứng”, ông Ahmad nói.

Quá trình xét xử vụ án sẽ kéo dài khoảng 2 tháng và sẽ triệu tập 30-40 nhân chứng trước khi luật sư bào chữa đưa ra lý lẽ biện hộ.

Các luật sư bào chữa tin rằng thân chủ của họ bị lừa. Họ cũng nghi ngờ trước báo cáo của chuyên gia rằng chất độc thần kinh VX đã bị sử dụng để sát hại. Một số nhà khoa học cũng thấy khó tin khi VX được sử dụng ở một sân bay quốc tế mà không làm tổn thương bất kỳ ai khác.

Vụ việc đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur và có vẻ vẫn chưa chấm dứt.

Giữa tuần trước, Malaysia ban lệnh cấm công dân sang Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo gia tăng.

Việc Triều Tiên thực hiện các vụ thử tên lửa, hạt nhân trong những năm qua chắc chắn đã khiến Malaysia chú ý hơn và khiến giới làm chính sách đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo giới quan sát, cái chết của người được cho là ông Kim Jong-nam khiến Malaysia càng cứng rắn hơn với Triều Tiên, dù chỉ một số biện pháp được công khai và đôi khi được triển khai muộn hơn trên thực tế.

Ví dụ, cuối tháng 6 vừa qua, có một số báo cáo nói rằng Malaysia đã buộc một số lao động Triều Tiên về nước và dừng cấp giấy phép cho các lao động mới, cho dù quá trình thực hiện quyết định này bị trễ vài tháng.

Các biện pháp này được đưa ra khi chính quyền Mỹ thúc giục các nước Đông Nam Á như Malaysia giảm quan hệ với Bình Nhưỡng bằng nhiều biện pháp.

Điều này cũng là một chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Razak đến Washington, D.C. đầu tháng này để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Tuyên bố của ông Trump hoan nghênh Malaysia đã dừng mọi quan hệ với Triều Tiên.

Việc Malaysia cấm công dân sang Triều Tiên là bước đi mới nhất của Malaysia trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.

Xét trong tổng thể rộng hơn, điều này không đáng ngạc nhiên khi biện pháp hạn chế đã được thực thi trong nhiều lĩnh vực như lao động, hoạt động kinh tế, hàng không, thi đấu bóng đá, cũng như lo ngại về an toàn cho các công dân Malaysia sau vụ bê bối ngoại giao đầu năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại