Kate Elysia (tên giả) mới chỉ 18 tuổi khi bị cưỡng hiếp lần đầu tiên. Cô tin rằng, mình là một “công cụ tình dục” vô nhân đạo sau khi bị tấn công liên tục.
Là một nạn nhân, cô nói rằng cô bị đem đi bán “khắp nước Anh” và trao cho nhiều người đàn ông - đôi khi lên đến 10 người một đêm.
“Tôi bị lạm dụng đến mức chính tôi cũng tin rằng mình là một đồ vật. Những kẻ đó dày vò tôi đến mức tôi trở thành một công cụ tình dục. Tôi không phải con người, chỉ là một món đồ”, Elysia viết trong cuốn tự truyện của mình, có tựa đề No Way Out (Tạm dịch: Không lối thoát).
Bìa cuốn tự truyện No Way Out (Không lối thoát) của Kate. Ảnh: BirminghamLive/ WS.
Sự lạm dụng tình dục khủng khiếp này dường như trở thành “cuộc sống thường nhật” với Kate. Cô nghiện ma túy và bị rối loạn trầm cảm sau nhiều lần mắc Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
Chi tiết lý do tại sao cô lại quyết định công khai sự thật, Kate nói: “Phương tiện truyền thông đã đưa tin rất nhiều về những cô gái chưa đủ tuổi bị buôn bán để làm nô lệ tình dục.
Nhưng không có nhiều tin tức về các cô gái trên độ tuổi cho phép, hoặc những người đã 18 và được coi là người lớn”.
“Lần đầu tôi bị cưỡng hiếp là khi 18 tuổi. Tôi mới 18 tuổi khi bị buôn bán khắp nước Anh và trao cho nhiều người đàn ông, đôi khi nhiều đến 10 người trong một đêm. Một số các cô gái như tôi, đã sống sót.
Đối với những người khác, có rất ít hy vọng và họ trở thành gái mại dâm, nghiện ma túy. Tôi đã rất may mắn”.
Trong cuốn sách, Kate đã kể lại ý định tự tử sau lần đầu bị cưỡng hiếp khi còn là học sinh.
Kate nói, người cô cứng đờ “như một con thỏ sợ hãi” khi lần đầu bị tấn công và hãm hiếp, chỉ vài ngày trước khi nhận bằng tốt nghiệp loại Giỏi.
Ác mộng dai dẳng
Kate bị cưỡng hiếp lần đầu vào năm 18 tuổi. Ảnh: BirminghamLive/ WS.
Đến từ một gia đình hạnh phúc, Kate rời nhà ở tuổi 18 và đến sống tại một thị trấn ở Midlands. Cô không hề biết rằng, khu vực cô đang sống rất gần nhà của Shayyir Ali và người anh em họ Farooq.
Những kẻ này nhanh chóng để ý đến cô hàng xóm mới và một loạt các cuộc trò chuyện, xung đột và đe dọa giữa họ tăng lên, đỉnh điểm là việc cô bị tấn công.
Trong cuốn sách, Kate kể rằng, vài ngày trước khi tham gia kỳ thi, cô đã bị hãm hiếp lần đầu tiên sau khi Farooq vào căn hộ của cô và ra lệnh cho bạn của cô ra ngoài.
Cô nhớ lại: “Hắn nói nói muốn nhìn thấy tôi khỏa thân và tôi nói với hắn rằng tôi không muốn. Hắn ta khỏe hơn, mạnh hơn tôi rất nhiều. Hắn cởi chiếc váy tôi và tôi đứng đó chỉ mặc quần thể thao và áo ngực.
Hắn bắt đầu cởi quần áo của mình và tôi đóng băng, như một con thỏ sợ hãi. Tôi biết tôi nên thử chạy vòng qua hắn để đến chỗ cửa. Nhưng tôi lại không. Như thể tôi bị tê liệt và không thể cử động.
Hắn túm lấy tôi lần nữa và tôi chống cự, nhưng hắn lại đẩy tôi về phía giường. Tôi muốn chiến đấu với hắn nhưng không thể vì tôi sợ hắn sẽ đánh tôi”.
Sau khi bị cưỡng hiếp, Kate còn bị Farooq đe dọa, ngăn không cho cô đi báo cảnh sát. Quá sợ hãi và sốc, trong nhiều ngày, cô luôn trốn trong căn hộ của mình, chỉ rời khỏi phòng một thời gian ngắn để đến trường lấy bằng.
Cô đã bị hơn 70 người đàn ông lạm dụng. Ảnh: BirminghamLive/ WS.
Cơn ác mộng quay trở lại khi Shayyir Ali và một người đàn ông khác cũng đi vào căn hộ của Kate. Cả hai đều lạm dụng tình dục cô.
Lần này, Kate đã dũng cảm đi báo cảnh sát. Nhưng cô đã nhanh chóng rút lại lời cáo cưỡng hiếp khi cảnh sát cảnh báo cô rằng, họ sẽ phải đi đến căn hộ của cô và bắt giữ những người cô buộc tội.
Lo lắng về hậu quả của một cuộc điều tra và sợ bị bỏ tù, Kate từ chối đưa ra một cáo buộc hãm hiếp chính thức.
Thay vào đó, một sĩ quan gợi ý cô có thể đưa ra một lời khai “thông minh” về những gì đã xảy ra, đây là bằng chứng sẽ sử dụng nếu những gã này bị buộc tội tấn công tình dục trong tương lai.
Cô đã nghe theo, một quyết định mà sau này cô cảm thấy vô cùng hối tiếc.
Cô nói: “Khi nghĩ lại, tôi đoán đó là cách họ xử lý với cáo buộc cưỡng hiếp vào thời điểm đó. Toàn bộ cách mà họ đối xử với nạn nhân bị hãm hiếp thực sự tồi tệ. Đó là sự thất bại của cảnh sát”.
Bị tổn thương bởi các cuộc tấn công, cảnh sát không hỗ trợ và bị mắc kẹt tại nơi ở. Kate nói cô bắt đầu bị tấn công bởi những kẻ mới. Những kẻ tấn công này liên kết với anh em nhà Farooq, hai gã đã gửi số điện thoại và địa chỉ của cô cho những tên khác.
Cuối cùng, việc lạm dụng trở nên thường xuyên và cô rơi vào cuộc sống bị hãm hiếp và nghiện ngập bởi những gã “yêu râu xanh”. Kate bị đẩy đến các khu vực xung quanh miền tây Midlands để những kẻ khác lạm dụng. Những kẻ này sẽ tiếp cận cô trên phố, yêu cầu quan hệ tình dục.
Cuối cùng, Kate bị những kẻ buôn thuốc phiện kéo đến Birmingham, trong đó có một kẻ tên Asif. Ở đó, việc lạm dụng diễn ra một quy luật đáng sợ và cô sử dụng cocaine đến nghiện.
“Khi Asif nắm quyền kiểm soát tôi, tôi ngủ trong bóng tối và ở trong điều kiện khủng khiếp ở Birmingham. Tôi bị lạm dụng tình dục thường xuyên. Nó thậm chí không giống như bị lạm dụng nữa mà giống như một cuộc sống bình thường”, Kate kể lại.
“Những người đàn ông Pakistan từng lạm dụng tôi đã khiến tôi tin rằng mình không hơn một đồ vật. Chúng đối xử với tôi như một người mắc bệnh hủi, trừ việc muốn quan hệ với tôi. Tôi không còn là một con người đối với chúng, tôi bị coi như rác rưởi“.
Can đảm vực dậy
Bất chấp việc lạm dụng và ma túy, Kate vẫn tìm cách thoát ra. Cô đăng ký học một khóa điều dưỡng tại một trường đại học.
Trong cuộc sống hai mặt này, cô tạm thời trở thành người theo đạo Hồi và sau đó kết hôn với một người đàn ông Syria, nhưng sau này đã ly dị. Kate sau đó quay trở lại cuộc sống nghiện ma túy và bị lạm dụng ở Birmingham.
“Ban ngày, tôi là một sinh viên đại học Essex và vào ban đêm, tôi là cư dân ở Birmingham. Tôi là hỗn hợp của người dơ bẩn, người vô gia cư, gái mại dâm, người sống trong khu ổ chuột”, Kate nói.
Tuy nhiên, cô gái đã sống sót và tiếp tục hoàn thành khóa học điều dưỡng của mình - trước khi trở thành điều dưỡng viên về sức khỏe tâm thần tại một bệnh viện.
Nhưng may mắn thay, sau nhiều năm bị lạm dụng ở vùng Trung du phía Tây, cô đã xoay xở để trốn thoát khỏi sự ràng buộc tâm lý mà các băng nhóm đã áp đặt lên cô.
Cô đã can đảm hỗ trợ cảnh sát trong Chiến dịch “Operation Chalice”, một cuộc điều tra liên quan đến đường dây lạm dụng tình dục ở châu Á.
Cuối cùng, Kate quyết định tố cáo nhiều người đàn ông ngược đãi cô với cảnh sát. Cô dũng cảm đưa ra bằng chứng chống lại Farooq, và hắn bị bỏ tù 10 năm vì 3 vụ cưỡng hiếp.
Kate cũng đưa ra bằng chứng chống lại Shayyir Ali, hắn bị kết tội hai vụ hiếp dâm, một vụ có ý định cưỡng hiếp, và bị kết án 6 năm tù.
Chỉ 2 người trong số những kẻ lạm dụng cô bị bỏ tù.
“Tôi cảm thấy hài lòng và nhẹ nhõm sau khi nghe bản án của Farooq và Shayyir Ali. Chi tiết về bản án của những kẻ cưỡng hiếp tôi đã được đăng lên báo và tôi cảm thấy kỳ lạ, như thể đó nạn nhân mà họ đang nói đến không phải là tôi”, Kate nói.
“Các bài báo đã cho tôi cơ hội lần đầu tiên nhìn vào tình hình của tôi một cách khách quan. Tôi thấy mình bị thao túng về mặt tâm lý cũng như thể chất. Chúng giúp tôi phá vỡ sợi xích tâm lý bối rối và u sầu đã giam cầm tôi quá lâu”.
Nhưng trong khi chỉ hai trong số những kẻ tấn công của Kate bị bắt vì tội hãm hiếp, đa phần những kẻ còn lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Với cuốn sách No Way Out, Kate nói cuốn sách này là cách cuối cùng để cô buông bỏ quá khứ và giúp đỡ những cô gái khác cũng đang bị lạm dụng tình dục.
Cuốn hồi ký miêu tả những chi tiết gây sốc của đường dây lạm dụng. Tên của Kate và tên của kẻ tấn công trong sách đều đã được đổi.
“Mục tiêu cuối cùng của việc viết cuốn sách này là giúp cho các nạn nhân khác biết rằng vẫn có một cuộc sống khác. Luôn có ý chí và sức mạnh tiềm tàng trong họ. Ngay cả tôi cũng có thể phát hiện ra rằng luôn có một lối thoát”, cô gái tâm sự.