Hình ảnh những con giun tròn được hồi sinh trong lớp băng.
Thông tin về việc các nhà khoa học Nga "hồi sinh" loài giun tròn cổ đại từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2018. Các bài báo nói về sự kiện này đã xuất hiện trên các tạp chí khoa học của Nga và nước ngoài.
Kể từ đó đến nay, câu chuyện đã lan truyền trên mạng với những thuyết âm mưu cho rằng điều này sẽ gây ra những thảm họa. Tuy nhiên, theo RBTH, đây chỉ đơn giản là một công trình mang tính chất khoa học và loài giun này sẽ không gây bất kỳ mối nguy hiểm nào cho con người
Giun tròn và các động vật không xương sống cực nhỏ khác, chẳng hạn như luân trùng và bọ gấu nước - nổi tiếng là bất diệt - có thể sống lâu trong trạng thái khô hoặc đông lạnh, sau đó có thể sống trở lại.
Tuy nhiên, các kỷ lục hiện tại về khả năng sống sót của những sinh vật như vậy cũng chỉ vào khoảng 30 - 40 năm, theo Anastasia Shatilovich, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Vật lý, Hóa học và Sinh học trong Khoa học Đất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Chính vì điều này, tuổi thọ của loài giun tròn cổ đại lên đến hàng chục nghìn năm là một trường hợp đáng lưu tâm.
Phát hiện ngẫu nhiên
Ban đầu, Shatilovich và các đồng nghiệp không tìm kiếm giun tròn trong lớp băng vĩnh cửu. Họ đã nghiên cứu các cộng đồng sinh vật nguyên sinh đã tồn tại qua hàng nghìn năm trong các lớp trầm tích đóng băng vĩnh cửu ở Yakutia.
Về cơ bản, các vật thể sống đơn bào tồn tại trong hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm không phải điều quá mới. Năm 2000, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy và hồi sinh các bào tử vi khuẩn đã tồn tại qua 250 triệu năm trong các tinh thể muối.
Trước đó, các nhà khoa học từ Trung tâm Khoa học Pushchino đã cố gắng phát triển một loại cây từ các tế bào sống được tìm thấy trong hạt giống đã tồn tại hơn 30.000 năm trong lớp băng vĩnh cửu, nhưng không ai từng nghĩ rằng những con giun đa bào cũng có thể sống lâu như vậy.
“Chúng tôi đã không thu được những sinh vật đa bào sống sót sau quá trình đông lạnh trong thời gian dài trước đây. Mọi thứ hoàn toàn ngẫu nhiên khi chúng tôi có được mẫu vật là hai con giun tròn ở hai mẫu đất riêng biệt”, Shatilovich cho biết.
Những con giun tròn thậm chí còn không được chú ý ngay lập tức. Khi các mẫu đất được gửi đến phòng thí nghiệm Pushchino, các nhà khoa học quan sát mẫu đất vài ngày một lần, hy vọng sẽ tìm thấy sinh vật nguyên sinh cổ đại.
“Chúng tôi chỉ phát hiện ra những con giun khi chúng bắt đầu di chuyển. Đó là khoảng 10-14 ngày sau khi làm tan băng. Có lẽ chúng đã sống lại sớm hơn”, nhà khoa học kể lại.
Con cháu của những con giun tròn hàng chục nghìn năm tuổi đang được các nhà khoa học Nga nghiên cứu.
Một loài giun tròn Panagrolaimus đã được tìm thấy trong các mẫu đất băng 32.000 năm tuổi. Loài thứ hai, Plectus, xuất hiện trong một mẫu thậm chí còn cổ xưa hơn - 42.000 năm. Cả hai con giun tròn đều được xác định là con cái.
Khám phá về loài giun tròn hồi sinh trong lớp băng vĩnh cửu được coi là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tiềm sinh (cryobiosis) và sinh học.
Tiềm sinh là một trạng thái sinh lý của sinh vật, trong đó quá trình trao đổi chất của cơ thể bị dừng lại hoặc giảm cường độ đến mức gần như đã chết nhờ vào các yếu tố môi trường cực lạnh - tất cả đều nhằm mục đích bảo tồn và hồi sinh sau này.
Đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong khoa học viễn tưởng hiện đại, khi ngày càng có nhiều ý tưởng về việc cho con người ngủ đông trong vài năm hoặc nhiều thập kỷ trước khi thức dậy.
Ý tưởng này cũng có những ứng dụng trong thực tế cuộc sống. Trong lĩnh vực y tế, có quan điểm cho rằng tiềm sinh sẽ là giải pháp cho những bệnh nhân mắc những căn bệnh mà với công nghệ hiện tại không thể cứu chữa, họ sẽ được đưa vào giấc ngủ đông, tiến đến tương lai, nơi sẽ có những biện pháp điều trị hữu hiệu hơn.
Ngoài ra, trong lĩnh vực khám phá không gian, con người sẽ được bảo quản cơ thể, giúp đi vào trạng thái ngủ sâu trên tàu vũ trụ và thức dậy tại điểm đến xa xôi trong thiên hà.
Mối đe dọa với nhân loại?
Con cháu của những con giun tròn hàng chục nghìn năm tuổi hiện nằm trong phòng thí nghiệm nơi nhà khoa học Shatilovich làm việc. Một số được đông lạnh, một số được làm khô, một số còn sống và đang sinh sản.
Shatilovich cho biết, bà thường được đặt câu hỏi rằng liệu có các vi sinh vật nguy hiểm được rã đông cùng với giun tròn thoát ra môi trường sinh thái hay không.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho biết, khác với suy nghĩ lo ngại về việc con người làm tan băng các sinh vật cổ xưa sẽ gây ra thảm họa, quá trình này thực chất là hoàn toàn tự nhiên.
“Đó là kết quả của quá trình tan băng liên tục của lớp băng vĩnh cửu, các sinh vật trong đó vẫn đi vào hệ sinh thái hiện đại hàng năm, đó là một quá trình tự nhiên”.
Shatilovich nói: “Chúng tôi chỉ đơn giản là tuân theo tự nhiên và không làm điều gì không xảy ra trong môi trường tự nhiên”.